Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

BÀN THÊM VỀ VẤN ĐỀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM


TRẦN QUỐC VƯỢNG
I
Ngay từ khi dựng nước đầu tiên (thời Hùng), và trong những thời kỳ dựng lại nước tiếp theo (thời Khúc – Ngô, thời đại Hồ Chí Minh), nước ta đã là một quốc gia đa tộc: Văn Lang Âu Lạc cũng vậy, mà Đại Việt, rồi Việt Nam cũng vậy. Cố nhiên, trong quốc gia đa tộc ấy, bao giờ cũng có một tộc người đóng vai trò trung tâm liên kết: người Việt cổ hay người Việt hiện đại, mà có lúc ta quen gọi là Kinh.
Do đó, có ý thức quốc gia, mà cũng có tâm lý tộc người. Có cái chung, mà cũng có cái riêng, trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam.
Do vậy, và cũng do bản chất của văn hóa là đa dạng mà khi tiếp cận vấn đề văn hóa Việt Nam, chúng ta cần nhận thức nó như một phức thể thống nhất trong đa dạng.
Có truyền thống chung của văn hóa Việt Nam, cũng có sắc thái truyền thống riêng của từng vùng – miền, từng thành phần tộc người để hợp thành chỉnh thể Việt Nam.
II
Trong việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc phát triển nền văn hóa riêng – chung của các dân tộc Việt Nam, theo chúng tôi cần nhận nhìn và hoạch định ba phương hướng chiến lược sau đây:
1. Chiến lược kế thừa tinh hoa truyền thống, hay nói vắn và dễ hiểu, chiến lược bảo tồn.
2. Chiến lược xóa bỏ những phong tục – tập quán cổ truyền, những lạc hậu, lỗi thời, và những ảnh hưởng, di hại của văn hóa (đúng hơn: phản văn hóa) đô hộ – thực dân cũ và mới. Nói vắn và dễ hiểu, chiến lược cải tạo.
3. Chiến lược xây dựng ý thức hệ mới, nền văn hóa mới, con người mới Việt Nam, trên nển tảng chủ nghĩa Mác-Lênin. Nói vắn và dễ hiểu, chiến lược phát triển – đổi mới.
Cố nhiên, đấy chỉ là sự trừu tượng hóa của tư duy lôgích phân tích. Còn trong đời sống văn hóa Việt Nam hôm nay, cả ba mặt bảo tồn, cải tạo và phát triển, ở bất cứ lĩnh vực nào, từ cấp độ nhận thức tư duy, cảm nhận tâm lý, ứng xử ngôn từ và hành vi, cho đến những cấp độ y phục, xây dựng nhà cửa, bản làng, phố phường, đô thị và lao động sản xuất…, đều xoắn xuýt, quyện bện vào nhau, khó có một lĩnh vực nào, một vấn đề nào là thuần bảo tồn, thuần cải tạo hay là thuần đổi mới, xây dựng mới, phát triển mới.
Dưới đây, tôi chỉ phát biểu đôi ba ý kiến quanh truyền thống văn hóa và việc kế thừa truyền thống trong quá trình đổi mới – cách mạng nền văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam.
Chúng ta nên dứt khoát nhận định rằng trong tổng thể truyền thống của văn hóa loài người, cũng như tổng thể truyền thống văn hóa Việt Nam, đều có cả truyền thống tốt, tiến bộ và truyền thống xấu, lạc hậu. Như thế là vì truyền thống được hình thành và ổn định (tương đối) trong quá khứ, dưới các phương thức, hình thái kinh tế – xã hội, chế độ chính trị… của những xã hội có mẫu số chung là người bóc lột người, có một hằng số đáng buồn chung là sự tha hóa con người (cả thống trị và bị trị). Cho nên, trong kho tàng văn hóa cũ, không thể không in đậm những ý niệm thống trị một thời: đấy là ý niệm của giai tầng thống trị – bóc lột (Mác); và, dù có hai dòng văn hóa trong một nền văn hóa (Lênin), thì những nhân tố dân phủ và xã hội chủ nghĩa của nền văn hóa dân gian cũng không thể phát triển thành hệ thống – cấu trúc văn hóa độc lập được.
Để lấy một ví dụ chợt đến và đơn giản, hãy nói về thế ứng xử vợ, chồng trong tổng thể văn hóa cũ. Về mặt này, ta cũng lọc ra được đủ vẻ “nước đôi” và mâu thuẫn từ folklore cổ truyền:
- Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông củng cạn.
- Vợ chồng như áo cởi ngay tức thì
- Gái có chồng như gông đeo cổ.
- Gái có chồng như rồng có vây…
Có cái xấu ngay từ đầu và về bản chất, mà ta có thể và có quyền gọi là phản văn hóa, chứ không phải là văn hóa. Thế nhưng, trong cuộc đời cũ, hễ có văn hóa là có phản văn hóa, như trong vật lý có hạt và phản hạt, có vũ trụ và phản vũ trụ. Phản văn hóa, xin nhắc lại, là một khái niêm khá quan trọng của văn hóa học.
Ví dụ: Trong văn hóa phụ hệ, chồng áp bức vợ. Có cái không xấu ngay từ đầu mà về sau rnới xấu. Ví dụ: nền văn hóa văn minh quân chủ nào cũng phải đề cao ý thức tôn quân. Thời quân chủ đang lên, và với những ông vua tốt, “đời vua Thái Tổ – Thái Tông” như dân gian xưa nói, thì tôn quân đâu là chuyện xấu, vì vua đó là minh quân. Nhưng ở cuối thời quân chủ mà còn tôn quân thì lại là xấu, là “ngu trung”, nhất là “hôn quân” thì cần gì phải tôn trọng? Trần Hưng Đạo tôn quân là một ứng xử đáng ngợi ca, nhưng Lý Trần Quán mà tôn quân thì lại là một ứng xử không đáng khen, còn Phan Bội Châu vẫn tôn quân thì đã là một ứng xử lỗi thời.
Cho nên, một thế ứng xử, một truyền thống văn hóa là tốt hay là xấu cũng còn tuỳ ở bối cảnh lịch sử. Truyền thống vừa có tính ổn định, vừa có tính lịch sử,“có khi biến có khi thường”. Cũng vậy, truyền thống cũ vừa có tính cộng đồng, vừa mang dấu ấn giai cấp.
Không lạ rằng, khi xử lý vấn đề kế thừa truyền thống, Đảng ta bao giờ cũng nói:
1. Kế thừa một cách có chọn lọc và phê phán.
2. Phát huy tinh hoa vốn cũ dân tộc lên một trình độ mới, với một chất lượng mới cao hơn. Nói một cách khác, hợp thời hóa trong nhận thức và ứng xử. Đó cũng chính là một khía cạnh của việc đổi mới, cách tân văn hóa, mà tôi xin phép không bàn đến trong bài viết này.
III
Nói đến kế thừa truyền thống, chúng ta thường nghĩ ngay đến kế thừa những nét tinh hoa của truyền thống. Trong ứng xử và quan hệ xã hội, chúng ta thấy ở bất cứ dân tộc nào, miền nào trên đất nước ta, cũng đều có những tinh hoa đáng gìn giữ: tính hiếu khách, với chăn khách – gối khách cực kỳ đẹp đẽ của người Thái; bữa cơm khách, dù túng bấn, cũng phải sửa soạn cho tươm tất, của người Việt; tính sạch sẽ trong vệ sinh thân xác của người Chăm (một ngày tắm 4-5 lần, sau mỗi lần đều xức hương trầm…); nét thanh lịch của văn hóa Hà Nội; nét cởi mở của văn hóa Cửu Long…
Tôi xin phép được gọi đó là sự kế thừa hữu thức.
Thế nhưng, trớ trêu thay là lịch sử và cuộc đời, một cách vô thức, và khi hành động thì ngay cả sau khi chế độ phong kiến và thực dân hoàn toàn bị đánh đổ, thậm chí ngay cả hiện nay ở giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, mấy ai trong chúng ta lại không kế thừa những thói quen, phong tục xấu, ứng xử xấu…, di sản của một thời vua – quan – cường hào nghìn thuở, di sản của một thời thuộc địa – đô hộ Tàu – Tây – Nhật – Mỹ ngày trước và hôm qua.
Nếu không, tại sao lại có khái niệm “quan cách mạng” mà Bác Hồ đã có lần nói đến; tại sao bệnh quan liên còn nặng nề và phổ biên; tạo sao lại có sự xì xào, mà từ thời đầu hợp tác hóa và ngay trong thời chống Mỹ cứu nước, cho đến tận hôm nay, về cái nạn “cường hào mới” ở nông thôn xã hội chủ nghĩa của chúng ta? Nói đâu xa, trong giới trí thức mới hôm nay thiếu chi người còn vướng mắc cái thói quen xấu của nhà nho tin “sách vở thánh hiền” hơn thực tế cuộc đời, sính nói chữ và quen nhìn mặt chữ mà suy ra nhận thức về cái tưởng là chân lý và thực tế. Bệnh sách vở, bệnh giáo điều phải chăng vẫn còn là một bệnh của một bộ phận không ít lắm của trí thức hôm nay, và phải chăng không có ai trong chúng ta, hơn một lần trong cuộc đời, đã ứng xử với Mác, với Lênin chả khác gì các cụ trạng – nghè – cống ngày xưa ứng xử với Khổng Tử, với Mạnh Tử?
Tôi xin phép gọi đó là sự kế thừa vô thứa. Đó chính là cái mà các văn phẩm của chủ nghĩa Mác – Lênin gọi là sức ỳ. Truyền thống có sức ỳ của nó. Quá khứ vẫn có sức ép đè lên hiện tại. “Người chết vẫn níu lấy người sống” là như vậy.
Nhìn theo quan điểm chiến lược tổng thể, thì đó vẫn là những điều khó tránh (nếu không muôn nói là không thể tránh) ở thời quá độ này, ở không gian và thời gian văn hóa Việt Nam hôm nay, từ miền xuôi đến miền núi, từ Nam chí Bắc…
IV
1. Quanh việc kế thừa tinh hoa truyền thống một cách hữu thức, đã có vô số chuyện cần phải bàn cãi rồi.
Thế nào là kế thừa? Thế nào là tinh hoa truyền thống?
Mặt nào của đời sống văn hóa dân tộc cần bảo tồn nguyên vẹn? Hoa văn mặt phà Thái, thổ cẩm Tày – Nùng, cạp váy Mường, tượng mồ Tây Nguyên, múa rối nước Việt… chăng?
Mặt nào của đời sống văn hóa dân tộc, thì bảo tồn từng phần, xóa bỏ một phần, đồng thời phát triển ở một phần khác?
Lấy ví dụ về văn hóa hội hè – đình đám cũ, về lễ hội Việt Nam: có người đề nghị giữ phần hội, bỏ phần lễ. Chúng tôi cho rằng đó là một cách phi tôn giáo hóa, giải thiêng hội hè. Nhưng ngày xưa có hội nào mà không có lễ, mà nếu “giải thiêng” trọng vẹn đền chùa miếu mạo – trung tâm vật chất của văn hóa hội hè – thì dễ có mấy ai đi hội? Phải chi dùng biện pháp hành chính xóa sổ béng đi cả lễ lẫn hội, như có người, có nơi, có lúc đã làm, “cho nó tiện”!
Hội mà không lễ, cũng như cưới mà không ăn, không xin, thực ra dân có chịu không?
Quanh chuyện đó, sau đây là một ví dụ, và những thắc mắc có thể nảy ra từ ví dụ ấy. Không có hội Phủ Giầy “tháng ba giỗ Mẹ”, ngày xưa làm sao có nhạc hát chầu văn và “múa thiêng”? Vậy có nên bỏ hội Phủ Giầy nhưng vẫn giữ nhạc chầu văn, mà đưa lời mới vào theo cái khẩu hiệu một thòi “Bình cũ rượu mới”, liệu có được không? (Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao lại không ưa thế, yêu cầu hát đúng nhạc cũ – lời cũ, nhưng công chúng thưởng thức phải chọn lọc và tuỳ lúc, tuỳ nơi mà hát). Và tại sao, với lôgích nào, mà chỉ bảo tồn chầu văn, nhưng lại xóa “múa thiêng” (tôi tạm mượn chữ của bà J. Cuisinier, nói nôm là “lên đồng”), cũng như chỉ bảo tồn cây đàn tính, nhưng xóa hát then, hay chỉ hát then với điệu cũ, lời mới, xóa sạch nội dung tôn giáo của mo-then?
Một số ví dụ khác, trên một mảnh đất khác. Cứ tưởng tượng như có người đưa lên Bộ Văn hóa mấy kiến nghị sau đây: – Thành lập trung tâm nghiên cứu chèo, tuồng, để bằng mọi biện pháp giữ nguyên xi mọi miếng trò, mảng trò, tích cũ, lời xưa .. nhằm mục đích nghiên cứu; Còn nhà hát chèo, nhà hát tuồng thì vừa biểu diễn tuồng, chèo y như cũ, vừa viết vở mới, diễn vở mới, phát triển chèo mới, tuồng mới (chèo hiện đại, tuồng hiện đại). – Cũng vậy, một học viện ca-múa-nhạc-kịch dân tộc sẽ lưu giữ, nghiên cứu, truyền bá (nếu cần thì chỉ truyền bá trong phạm vi hạn chế) y nguyên vốn ca-múa-nhạc- kịch các dân tộc ở Việt Nam, từ tính tẩu, pí pặp, đến đàn bầu, từ then – sli – lượn đến quan họ, từ nhảy Hmông đến múa Chăm, từ rối nước Bắc Bộ đến dù kê Nam Bộ; – Còn các nhà hát ca-múa-nhạc hiện đại thì vừa biểu diễn các tiết mục cổ truyền y như cũ, vừa cải tiến nâng cao (hoặc hạ thấp không biết chừng!) các nhạc cụ cổ truyền (vốn thường có âm vực thấp, âm lượng kém), các tiết mục cổ truyền, tổng hợp nhiều làn điệu dân ca, dàn nhạc, dân vũ, và đưa lên sân khấu, gọi là kịch dân ca, nào là kịch dân ca quan họ, kịch dân ca Nghệ Tĩnh…
Một vài thắc mắc trên lý, trên lẽ thế thôi, cho thấy cái phức tạp của vấn đề. Trên thực tiễn, còn có cái phức tạp này nữa. Hữu thức, ta muốn bảo tồn y nguyên,ví như bảo tồn trang phục của các tộc người khác nhau ở ta, ít nhất cũng để sử dụng trong các ngày lễ hội cổ truyền hay hiện đại, trong các buổi đón khách nước ngoài hay các đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng. Nhưng về thực tế khách quan thì y phục dân tộc đang mờ dần và đang trên đà “Kinh hoá”, “xuôi hoá”, “Âu phục hoá’. Vì sao? Vì thiếu vải và vải màu? Vì thiếu chỉ và chỉ thêu? Vì đắt đỏ? Vì tiêu cực? Vì một mặc cảm mà tôi tạm gọi là “mặc cảm thiểu số”? (mặc cảm này là có thật ở một bộ phận không ít đồng bào và cán bộ người các dân tộc thiểu số anh em, khi họ tiếp xúc và làm việc với người miền xuôi, người Việt)…
Ấy là chưa nói đến chuyện bảo tồn cái nhà sàn Thái, Tày, Mường cái nhà nửa sàn – nửa đất H’mông-Dao, cái nhà rông Ba Na, nhà dài Xtiêng… Bảo tồn đến đâu? Còn đủ gỗ để làm không?…
Ấy cũng là chưa nói đến chuyện bảo tồn từng phần (mà có hướng dẫn) việc làm nương rẫy, hay là xóa hẳn việc làm nương rẫy, nên bảo tồn việc trồng cây thuốc ở người H’mông để Nhà nước thu mua làm dược liệu và xuất khẩu, hay là cấm tiệt việc làm thuốc phiện, phá nương trồng thuốc phiện, rồi người H’mông trốn vào đốt nương giữa rừng trồng “lậu” thuốc phiện, còn ngành y tế Việt Nam lại nhập thuốc phiện và các chế phẩm của nó để làm thuốc?
Thế là có hiện tượng này trong đời sống văn hóa của các dân tộc anh em ở Việt Nam: hữu thức, hô hào văn hóa một đằng; vô thức, thầm lặng một nẻo.
Và sao không có hiện tượng nửa vô thức, nửa hữu thức ở một số sự kiện văn hóa Việt Nam hôm nay, chẳng hạn như việc phục hồi dần dần một số lễ hội ở miền xuôi, miền núi, nhất là trong mười năm qua, đặc biệt trong dăm năm vừa qua, chẳng hạn như việc phục hồi bàn thờ tổ tiên ngay trong gia đình cán bộ cộng sản ở đô thị, một việc mà sau 1954 chưa hề là hiện tượng phổ biến?
Và trong lĩnh vực vô thức kế thừa, cái gì là xấu, là phản động (hiểu theo nghĩa triết học của Lênin), cần phải loại trừ? (ứng xử quan dạng, cường hào khệnh khạng, thích phô trương, ăn uống – nhậu nhẹt, thích giấy tờ, thích mệnh lệnh hơn là giải thích, cổ vũ, vận động, tổ chức tỉ mỉ…?) Loại trừ bằng cách nào? (lôi từ lĩnh vực vô thức lên lĩnh vực ý thức, để nhận thức cho kỹ mà xóa bỏ?)
Và có hay không có sự kế thừa vô thức nhưng mà tốt?
Nói cho cùng kỳ lý thì con người là một sinh vật có ý thức, và chẳng có cái gì hoàn toàn vô thức ở con người. Nhưng, theo tôi, hoàn toàn phủ nhận phạm trù vô thức như J.P.Sartre đã làm, thì không ổn. Nền tâm lý học Xô Viết, từ sau hội nghị cuối năm 1979, cũng đã thừa nhận phạm trù vô thức, một phạm trù mà Mác vĩ đại vẫn dùng và đã dùng trong tác phẩm của mình, chẳng hạn trong Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ.
Trong nhân dân ta, trước đây cũng như ngày nay, nhiều hiện tượng kế thừa vô thức (như thói quen, kinh nghiệm nghề nghiệp, chiêm nghiệm thời tiết, thời vụ…) đã đưa lại những kết quả có khi khá tốt. Tuy vậy, chúng tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, việc kế thừa một cách có chọn lọc và phê phán, việc phát huy tinh hoa vốn cũ của dân tộc lên một bước với một chất lượng cao hơn, là một công việc hữu thức của nhiều cơ quan văn hóa – nghệ thuật, một công việc cần được tiến hành có kế hoạch, có bước đi cụ thể, có dự báo, thì mới đạt được hiệu quả mong muốn.
* Nguồn: VĂN HÓA VIỆT NAM – Tìm tòi và suy ngẫm, nhà xuất bản Văn học, 2003. Tác giả: TRẦN QUỐC VƯỢNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét