Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

NHẬN NHÌN BẢN SẮC CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM


 


TRẦN QUỐC VƯỢNG
Có một thời, người ta phủ nhận sự hiện hữu của một nền văn minh và văn hóa Việt Nam. Người ta xếp một cách đơn giản thế giới Việt Nam vào phạm vi ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc, vào phạm trù của nền văn minh Trung Quốc. Người ta gọi Việt Nam là “một nước Trung Hoa thu nhỏ lại” (une Chine en miniature)! Người ta tìm cội nguồn của dân tộc Việt Nam ở đâu đó bên Tàu, người ta xếp tiếng Việt vào gia đình ngôn ngữ Hán – Tạng (Sinotibétsin) và người ta coi người Việt Nam, cùng lắm, cũng chỉ là “Hán tộc nam chi”: (một cành nam của gốc Hán).
Thế nhưng rồi những công trình nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh xuống chiều sâu và trong chiều dài lịch sử đã buộc giới trí thức tây và đông thầm nhận lại cái quan điểm đơn giản phiến diện nói trên. Người ta thấy tiếng Việt (và tiếng Mường) có một nền tảng (substratum) Môn-Khơme, gần gũi tiếng Thái – Tày và tiếng Anhdônêziêng trong gia đình ngôn ngữ phương nam, chứ không phải là ngôn ngữ Hán. Người ta thấy sức sống mãnh liệt của tiếng Việt như là một chỉ tiêu tồn tại của dân tộc Việt Nam, hàng ngàn năm, bên cạnh đế chế Trung Quốc. Một khoa học mới ra đời, khảo cổ học, với những tài liệu vật chất lấy lên từ trong lòng Đất mẹ, đã chiếu rọi một ánh sáng mới mẻ vào quá khứ ngàn vạn năm, khi xưa còn nằm trong bóng tối của thần Đêm lịch sử… Người ta được biết xứ sở này là một vùng quê của loài người (berceau dé l’Humanité). Đi sâu nghiên cứu hai nền văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn, người ta lại biết đấy là màn dạo đầu, từ trước đây trên dưới một vạn năm, của một cuộc cách mạng nông nghiệp xảy ra trên toàn vùng Đông Nam Á có thiên nhiên phong phú và đa dạng. Nơi đó, còn trước cả vùng Trung Đông vài nghìn năm, là một cái nôi trồng trọt (berceau cultural), từ chục nghìn năm trước, đã có những cộng đồng nông nghiệp định cư, trồng cây có củ, cây ăn quả, bầu bí rau dưa, rồi sau đó đã trồng lúa nước (oryza sativa), cây lương thực trọng yếu của loài người. Mà nông nghiệp, là khởi đầu của văn minh nhân loại, trên lưu vực những dòng sông lớn của thế giới ngày xưa: Lưỡng hà ở Trung Đông, Nin ở Ai Cập, Anhđuýtxơ ở Ấn Độ, sông Cái (Nhị, Hồng) ở Việt Nam… Một nền văn minh Đông Sơn được phát hiện, tồn tại hàng ngàn năm. Trước kỉ nguyên tây lịch, cũng có thể gọi là văn minh sông Hồng theo nghĩa rộng, với Nhà nước Văn Lang và thời đại các vua Hùng. Dân tộc Việt định hình cùng với Nhà nước ấy và nền văn minh ấy.
Khi đó, cái nước mà ngày sau người ta gọi là Trung Quốc mới được tạo dựng lên ở mạn trung lưu Hoàng hà, và nền văn minh Trung Quốc ban đầu thì đúng là nền “văn minh Hoàng hà” với ranh giới khoảng ba tỉnh bây giờ: Sơn Tây (quê hương của Đế Nghiêu), Hà Nam (quê Hạ Vũ, kinh đô của nhà Ân), Thiểm Tây với núi Kì, sông Vị (quê hương của nhà Chu).
Văn hóa Việt Nam, văn minh sông Hồng và văn hóa Trung Quốc, văn minh Hoàng Hà, khác nhau từ căn bản, từ cội nguồn.
Văn hóa, theo nghĩa rộng, là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người, bao hàm cả kỹ thuật, kinh tế… để từ đó hình thành một lối sống, một thế ứng xử, một thái độ tổng quát của con người đối với vũ trụ, thiên nhiên và xã hội, là cái vai trò của con người trong vũ trụ đó, với một hệ thống những chuẩn mực, nhũng giá trị, những biểu tượng, những quan niệm… tạo nên phong cách diễn tả tri thức và nghệ thuật của con người. Như vậy, thì phải xuất phát từ những điều kiện tự nhiên (con người vốn là một sản phẩm của tự nhiên, là một phần của tự nhiên, đứng đối diện với tự nhiên mà tạo thành văn hoá) rồi sau đó những điều kiện lịch sử (con người lại là một sản phẩm của lịch sử do chính mình tạo ra) để nhận nhìn về cội nguồn và bản sắc của nền văn hóa Việt Nam: Trong những điều kiện đó, văn hóa Việt Nam khác và không phải là văn hóa Trung Quốc.
Lưu vực Hoàng Hà là khu vực khí hậu đại lục lạnh lẽo, khô hạn, lượng mưa ít, lượng bốc hơi cao.
Lưu vực sông Hồng là khu vực khí hậu gió mùa, nóng và ẩm, nước dư thừa, nhiệt đầy đủ.
Đất trồng trọt của người Trung Quốc ban đầu ở cao nguyên và bình nguyên Hoàng Hà là hoàng thổ (loess) do gió tây mang lại.
Đất trồng trọt của người Việt Nam ở lưu vực các dòng sông là phù sa nâu, do sông Cái, sông con bồi đắp.
Nông nghiệp là kết quả của một thế tác dụng tổng hòa “Người – Trời – Đất” tạo mầm mống cho văn minh.
Nông nghiệp Trung Quốc, từ khởi thủy, là một nền nông nghiệp trồng khô (culture sèche).
Nông nghiệp Việt Nam, từ ban đầu, là một nền nông nghiệp trồng nước (culture hydraulique), từ việc sử dụng hệ thống ngập nước (inondé: “ruộng Lạc theo nước triều lên xuống”) đến việc sử dụng hệ thống tưới nước (irrigué: gàu dai, gàu sòng, kênh ngòi…)
Và như thế, kỹ thuật (technique, technologie), một phần của văn hóa, cái nối liền con người và tự nhiên, ở hai bên là khác nhau về căn bản.
Người Hoa trồng túc – tiểu mễ, hay kê (millet) – sau đó trồng cao lương, rồi trồng lúa mạch kiểu trồng khô, giống này từ Trung Á truyền vào và cho đến trước thời Tần (thế kỷ III trưóc Công nguyên) vẫn không phải là cây lương thực chủ yếu của Trung Quốc.
Người Việt trồng cây có củ (khoai các loại) và đặc biệt từ 6000-7000 nàm trước đây, đã trồng lúa nước. Nền văn minh lúa nước (civilisation du riz) vốn là một nền văn minh Việt cổ và đã tạo nên một thế quân bình bền vững của nền văn hóa xóm làng, giữa con người và thiên nhiên Việt Nam, trong khung cảnh Đông Nam Á từ mấy nghìn năm nay.
Trị thủy sông Hoàng, người Trung Quốc khơi sâu và khơi nhiều dòng chảy (“Hạ Vũ tuấn xuyên” là anh hùng văn hóa Trung Quốc).
Trị thủy sông Hồng, người Việt đắp đê và trên suốt thời gian lịch sử, có hẳn một nền chính trị đê điều (Sơn tinh đắp đê chắn lũ chặn Thủy tinh là anh hùng văn hóa Việt).
Ít nước trên mặt, người Trung Quốc phải tìm nguồn nước ngầm, đào giếng (“tinh”) và gọi chế độ phân phối ruộng đất cổ đại của mình là chế độ “tinh điền”.
Người Việt sống ở vùng sông ngòi chằng chịt, đầm đìa khắp nước, quen sử dụng nước trên mặt. Và cái ao đã là một thành phần hữu cơ của cảnh quan thiên nhiên – xã hội của lưu vực sông Hồng, ao là nước sinh hoạt, là kinh tế tổng hợp (rau muống, cá, nơi ngâm tre gỗ làm nhà, nước dự trữ tưới vườn, tưới ruộng…), là cuộc sống tinh thần trong ca dao (“ta về ta tắm ao ta…”, “Đêm qua ra đứng bờ ao”, “Trúc xinh trúc mọc bờ ao”…) và thơ ca dân tộc (“Thu điếu”, “Thu vịnh”, của Yên Đổ).
Người Hoa ăn bánh màn thầu, ăn cháo kê, có vạc, chảo, có muôi hay như người Hoa gọi “văn hóa đỉnh lịch”.
Người Việt ăn xôi, ăn cơm, làm bánh chưng, bánh giày… Bát cơm, bát tương, chén mắm… và đặc biệt đôi đũa là một sáng tạo của nền văn hóa lúa nước Việt Nam. Từ địa hạt vật chất, đũa đã đi vào lĩnh vực xã hội tinh thần, triết lý Việt Nam (vợ chồng như đôi đũa có đôi, “chồng thấp vợ cao như đôi đũa lệch so sao cho đều”, “vơ đũa cả nắm … thủ tục li hôn ngày xưa là bẻ đũa…)
Người Hoa ở nhà hầm (“Bắc sóc huyệt cư”) người Việt cổ sáng tạo cái nhà sàn (“Nam Việt sào cư”) với cái mái cong độc đáo hình thuyền, làm mẫu hình cho cả nền kiến trúc Viễn đông cổ truyền (Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản…) Đi lại ở miền khô, trên một vùng cao nguyên, gần thảo nguyên thuận lợi cho việc chăn nuôi ngựa, người Hoa ưa dùng xe cộ và cưỡi ngựa. Quân đội lấy ưu thế là kị binh, nhà nước lấy chiến xa làm sức mạnh (“bách xa quốc”, “thiên xạ quốc”: xe ngựa trở thành một độ số của văn minh và sự hùng cường).
Người Việt ở miền sông nước gắn trồng trọt với chài lưới, thuyền bè các loại trở thành một phương tiện kỹ thuật giao thông quan trọng, chiến thuyền được chạm khắc trên trống đồng và chiến tướng họ Đông A (Trần) vẫn quen sịnh hoạt trên thuyền…
Huyền thoại Trung Quốc về Hạ Vũ đúc đỉnh, và đỉnh (vạc ba chân) trở thành biểu tượng của quyền lực nhà nước Trung Hoa, quyền lực đế vương.
Thực tiễn Việt Nam về các vua Hùng đúc trống đồng và trống đồng trở thành biểu tượng của văn minh Đông Sơn, của quyền lực thủ lĩnh nhân dân.
Trung Quốc ra đời ở một vùng thiếu kim khí, ở vùng giáp ranh giữa thảo nguyên và bình nguyên, giữa hai khối cư dân và văn minh du mục và nông nghiệp. Sự trao đổi, thương mại và những luồng buôn bán lớn sớm phát triển. Đô thị Trung Hoa ra đời sớm (ít ra từ thời Chu), tầng lớp con buôn lớn ra đời sớm. Văn minh đế vương cũng là văn minh đô thị, sớm tách khỏi thôn trang và vừa chống chọi vừa hấp thụ văn minh du mục, nhất là cái tổ chức quân sự và định chế chính trị độc tài. Chế độ chuyên chế ra đời cùng với đế chế (ít ra từ thời Tần Thủy Hoàng). Việc dựng nước Trung Quốc đi liền với bành trướng, đặt căn bản trên sự chấp nhận một nhân sinh quan “thiên mệch” phân biệt chủng tộc, phân biệt Hoa – Di cực kì nặng nề, một thứ “chủ nghĩa Trung Hoa trung tâm” (sinocentrisme), nền tảng của lý thuyết “bình thiên hạ”. Cùng với sức ép của các tộc người du mục ở phía bắc, phía tây, cùng với sự gia tăng dân số nông nghiệp, Trung Quốc tìm cách bành trướng xuống phía đông và phía nam, tới lưu vực Trường Giang, tới vùng văn minh lúa nước, đồng hóa những cư dân Man – Việt, đem nền văn minh lúa nước chồng lên văn minh Trung Quốc cổ truyền, đã biến thành một sắc thái mới của văn minh Trung Hoa. Cái giống nhau giữa văn minh Trung Quốc và văn minh Việt Nam là cái có sau, là hậu quả của lịch sử, một lịch sử chiến tranh đẫm máu giữa bành trướng và chống bành trướng, giữa cướp nước và giữ nước, hình thành thế “phân biệt Bắc – Nam”, hữu thức từ Lý Nam Đế, qua Lý Thường Kiệt (“Nam quốc Sơn Hà”), Nguyễn Trãi (“bình Ngô đại cáo”) đến Quang Trung…
Nhưng nếu như lòng yêu nước Việt Nam đã được tô đậm lên để trở thành một hệ ý thức chủ đạo của người Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc (nationnalisme) Việt Nam đã chiến thắng chủ nghĩa “bình thiên hạ” (universalisme) Trung Quốc, nếu như nền độc lập chính trị của nước Việt lại được phục hồi sau hơn nghìn năm chống Bắc thuộc thì diễn trình lịch sử của nền văn hóa Việt Nam, sự tiếp xúc, chống đối, đan xen, giao tiếp, hỗn dung văn hóa Việt – Hoa trong ngàn năm đầu Công nguyên và ngàn năm tiếp sau đó lại vô cùng phức tạp. Và sự tự ý thức về một lối sống riêng, một thế ứng xử – văn hóa riêng của các thế hệ Việt Nam dưới chế độ phong kiến lại không dễ dàng, không khỏi có nhiều lầm lạc, băn khoăn, trăn trở… mà ở một bài sau, tôi sẽ cố gắng phác họa đôi điều chủ yếu.
* Nguồn: VĂN HÓA VIỆT NAM – Tìm tòi và suy ngẫm, nhà xuất bản Văn học, Tác giả: TRẦN QUỐC VƯỢNG.

TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH ĐÔNG NAM Á VÀ ĐÔNG Á



TRẦN QUỐC VƯỢNG
Trước đây và thậm chí gần đây, giới Đông phương học phương Tây thường xếp Việt Nam hay/và Hàn Quốc vào “Thế giới văn minh Trung Hoa” hay “Thế giới Hoa hoá” (Xem, chẳng hạn M. Gernet Le monde chinois, Paris, 1980, L.Vandermeersch Le monde sinisé PUF, Paris, 1986…)
Đối với Đông Nam Á – một khái niệm mới xuất hiện ở cuối Thế chiến II – thì ngưòi ta xếp vào “các quốc gia Ấn hóa hay Hindou hoá” (xem chẳng hạn G. Coedès Les états indianisés (hindouisés) Hà Nội. 1960 bản dịch tiếng Anh The Indianised States of South east Asia, Honolulu 1968). Thậm chí, cho đến giữa thập kỷ 60, có học giả Anh còn cho rằng “Đông Nam Á chẳng có sáng tạo gì đáng kể… ngoài trống đồng và có thể kể thêm cái nơm úp cá”! (Xem anthony Christie trong Dawn of civilization và bản dịch tiếng Pháp Aux portes de l’Histoire, Paris, 1964).
Và để đối sánh Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á khác, người ta mệnh danh Việt Nam là bộ phận tiền đồn (Avant – Monde) của văn minh Trung Hoa chọc xuống vùng Đông Nam Á (xem, chẳng hạn Rierie Richand Feraya Le Việt Nam (des arigines lointaines à nos jours) PUF, coll. Que sais je? Paris, 1984).
Theo tôi hiểu, có lẽ Winlhem G. Solheim II, GS ở đại học Hawai (xem Reworking South east Asian Prehistory Paiderme, Band XV 1969. New light to a fargotten past National Geography, 1972) và Georges. Condominas, nhà dân tộc học nổi tiếng của Pháp về Đông Dương (xem, chẳng hạn “L’Asie du Sud –Est” trong Ethnologie régionale, vol.2, Enoyel.de la Pléiade, Gallimard, 1978)… là nằm trong số các học giả phương Tâv sớm thấy rõ và đi sâu tìm hiểu bản sắc các nền văn hóa của Việt Nam và Đông Nam Á.
Và Paul Mus (xem Traditon et Révolution au VietNam Ed. Anthropas, Paris, 1971) và Pierre Huarde – Maurice Durand (Connaissance du Viet Nam EFEO, Hanoi, 1954) và Pierre Langlet (xem La tradition vietnamienne: un Etatnational au sein de la civilisation – chinoise – Sài Gòn 1970) và gần đây, học giả Hàn Quốc Insun Yu (xem Law and Society in Seventeenth and Eighteenth Century Viet Nam Seoul 1990. Bản dịch tiếng Việt Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII –XVIII, Nxb KHXH Hà Nội 1994)… đã dần dà thấy rõ bản sắc văn hóa Việt Nam và sự khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa.
Không một ai – kể cả chúng tôi – phủ nhận những ảnh hưởng thậm chí trong nhiều thời kỳ là rất quan trọng của các thể chế Trung Hoa (bây giờ giới văn hóa học cũng xem thể chế là văn hóa - xem Đàm Gia Kiện (chủ biên): Lịch sử văn hóa Trung Quốc, bản dịch tiếng Việt Nxb KHXH Hà Nội 1993: cuốn sách nàyPhần một là Chế độ điển chương qua các đời như Lễ chế, Pháp chế, Quan Chế, Binh chế…, – cũng xem David Marr Institutional Culture (s) in Viet Nam 1945-46 Australian, National University – 3-1994, ngôn ngữ văn tự Trung Hoa v.v… đối với Hàn Quốc (và bán đảo Korea nói chung) và Việt Nam trong lịch sử.
Nhưng “trở về cội nguồn” và với cách nhìn sinh thái – nhân văn (Human ecological point of view) thì nếu văn hóa – ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc về context (bối cảnh – đại đồng văn) Đông Bắc Á (xem Hàn Quốc – đất nước – Con người bản dịch tiếng Việt Seoul, 1993) thì Việt Nam là thuộc về Context Đông Nam Á.
Dưới đây tôi sẽ giải trình ít nhiều nhận thức của mình về vấn đề Context mà các học giả Việt Nam dịch/dùng theo những từ ngữ khác nhau: Bối cảnh, (Đại) đồng văn, môi cảnh, thể cảnh.v.v…
Tôi nhớ lại, vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ này – khi tôi bắt đầu nghiên cứu và viết sách về các nền văn hóa – khảo cổ của Việt Nam, tôi đã nêu lên luận điểm rằng: Khi nghiên cứu văn hóa nói chung và các nền văn hóa thời tiền sử và sơ sử nói riêng của Việt Nam thì không nên và không thể chỉ giới hạn ở lãnh thổ Việt Nam hiện tại (Xem Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy Việt Nam, Hà Nội 1960, – Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam Hà Nội 1961 v.v…)
Thế rồi, đọc và học các sách của học giả phương Tây người ta luôn luôn đặt một văn hóa hay một quốc gia vào một contextes – đồng văn, ví dụ cuốn Le Néolithique Francais dans le comtexte Européen (Thời ĐÁ MỚI Pháp trong bối cảnh – Đồng văn Âu châu) hay ví dụ cuốn Le modèle suédois (cuối 59, đầu 60) vào thời kỳ Thụy Điển từ tình trạng lạc hậu tìm ra được mô hình phát triển của mình mà nhanh chóng tiến lên hiện đại, ngay trong mở đầu đã viết đại ý: Thụy Điển không phải là Mỹ, Thụy Điển cũng không phải Tây Âu mà Thụy Điển là thuộc contexte Bắc Âu, do vậy không thể bắt chước mô hình phát triển Mỹ hay Tây Âu mà cần/phải tìm ra mô hình phát triển cho riêng mình trong bối cảnh đồng văn – Bắc Âu.
Chính vì vậy, khi được biết cấp trên giao cho tôi nhiệm vụ nghiên cứu đặc điểm – bản sắc dân tộc Việt Nam vào đầu thập kỷ 70, học giả nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện đã hỏi tôi: “Anh sẽ bắt đầu việc nghiên cứu ấy của anh bằng cái gì?” Không do dự suy nghĩ, tôi đã trả lời ông ngay rằng: “Tôi sẽ bắt đầu từ Contexte” và ông đã khen tôi “Rất đúng!”. Đó cũng là thời kỳ vận động để thành lập ban (ngành) Đông Nam Á ở Việt Nam mà tôi được coi là một thành viên cố vấn. Tại hội nghị Đông Nam Á học Việt Nam lần thứ nhất (Hà Nội, 1972), tôi đã cùng PGS, Cao Xuân Phổ đọc bản tham luận về Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á (Báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng trọn tham luận này của hai chúng tôi). Tiếp theo Madeleine Colani, bạn đồng nghiệp và đồng tác giả của tôi trong nhiều công trình văn hóa – khảo cổ. GS Hà Văn Tấn đã viết Le hoabinhien dans le contexte du Viet Nam (Etudes Vietnamiennes No 46, 1976) và cũng như M. Colani (xem La civilisation hoabmhienney extrême arientale Hà Nội, 1939), khi viết về Không gian văn hóa Hòa Bình (Tạp chí Khảo cổ học 3-1994) tôi cũng luôn luôn đặt nền văn hóa tiền/sơ nông nghiệp nghìn xưa này trong bối cảnh Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Đôi vối nền văn hóa Đông Sơn nổi tiêng – còn gọi là “văn hóa Trống Đồng” (giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên) – thì cũng vậy và lại càng là như vậy. Đọc những tài liệu về các hội nghị về trống đồng của Trung Quốc, tham gia hội thảo về trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam, tôi có một phức cảm (complex) về tính “sô vanh” (chauviniste) của một vài học giả Hoa và Việt cứ cố chứng minh trống đồng khởi nguyên từ Trung Hoa hay từ Bắc Việt Nam…
Trước hết, khoảng 500 năm trước Công nguyên trở về trước, Hoa Nam – nơi tìm thấy trống đồng – chưa thuộc về lãnh thổ của đế chế Trung Hoa – Chu – Tần – Hán… – Tôi rất thích một khái niệm của GS Mỹ W.Eberhard (Xem Eberhard Wolfram The local cultures of South and, East China Leiden 1968) khi viết về Các nền văn hóa địa phương ở Nam và Đông Trung Hoa đề cập đến Hoa Nam thời cổ, ông đã gọi là “Prechinese China (Trung Hoa trước người Hoa). Đấy là vùng Man, Bách Bộc, Bách Việt… nghĩa là không gian xã hội của các tộc người phi Hoa.
Tôi đã nói đến – từ thập kỷ 70 – về một Đông Nam Á trước 500 năm trước công nguyên – hoặc trước đó chút xíu – phi Hoa phi Ấn rồi mới đến một thời kỳ Đông Nam Á Ấn hóa, Hoa hóa (thiên niên kỷ đầu công nguyên), rồi lại đến một thòi kỳ Đông Nam Á giải Ấn hóa, giải Hoa hóa (De indianisation, De sinisation). Hoa Nam là thuộc Đông Nam Á theo nghĩa sinh thái – nhân văn.
Tôi là người theo chủ thuyết Địa – Văn hóa (Géo-Culture), Địa – Lịch sử (Géo Histoire). Cũng là Đông Nam Á, song có Đông Nam Á lục địa, Đông Nam Á hải đảo… Việt Nam năm trong bán đảo Đông Dương (Indo China), lại chiếm trọn phần Đông của bán đảo này nên tính chất bán đảo lại càng nổi bật. Về mặt địa – văn hóa, bản sắc văn hóa Việt là bản sắc bán đảo, tiếp nhận và hội nhập (integration) cả các ảnh hưởng lục địa lẫn các ảnh hưởng hải đảo. Cái bản sắc văn hóa ấy được phản ánh rõ nét trong huyền thoại khởi nguyên luận của người Việt toàn quốc: Mẹ tổ Âu Cơ (Tiên) từ Núi xuống lấy Bố tổ Lạc Long Quân (Rồng) từ Biển lên, sinh trăm trứng nở trăm con, sau lại chia đôi, một nửa ở miền đồi núi, một nửa ở miền sông nước… Nó còn được phản ánh ở 3 cặp vợ (bản địa)chồng (từ biển vào), ở xứ Bắc là Man Nương – Khâu đà la (Ấn), ở xứ Trung là nàng Trầm Hương Pô Inư – Nagara (Chàm) – hoàng tử Bắc Hải (Hoa), ở xứ Nam là nàng Liễu Diệp (Phù Nam) – Kaundinya (Ấn)…
Về mặt địa – văn hóa này, tôi cũng thấy văn hóa Hàn Quốc có sắc thái bán đảo (tuy contexte là Đông Bắc Á): Ngôn ngữ Hàn Quốc thuộc hệ Ural – Altaic của vùng Trung Á (bao gồm tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Hungari, Phần Lan, Mông cổ, Nhật Bản…). Bán đảo Hàn Quốc có Sông Núi đẹp. Núi có sâm Cao Ly nổi tiếng thế giới. Sông suối số lượng lớn và cùng với biển – đóng vai trò quan trọng đối với lối sống dân chúng (xem Hàn Quốc… đã dẫn tr.8, trl4, trõl).
Tôi đã viết và đang còn viết nữa về Tính cách sông nước của văn hóa Việt Nam (Cornell University 1991), về Yếu tố Biển trong lịch sử văn hóa Việt Nam (Tạp chí Đông Nam Á, Hà Nội, 1.93), Hội An và cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt (Tập san Khoa học kỹ thuật, Quảng Nam – Đà Nẵng 1986)…
*
*          *
Vào trước sau Công nguyên cho đến đầu thế kỷ X sau công nguyên, đất Việt bị rơi vào ách thống trị của nhiều triều đại Trung Hoa, từ Hán đến Đường.
Đã xảy ra hiện tượng mà giới văn hóa học gọi là giao thoa văn hóa cưỡng bức.
Giao thoa cưỡng bước Việt – Hoa xảy ra rất dài và không chỉ một lần (thế kỷ I-X, 1407 – 1427). Và cũng có giao thoa tự nguyện.
Đế chế Hán cũng đã lập ra 4 quận ở nửa Bắc Hàn Quốc và Mãn Châu, đặc biệt là quận Namgang (Lo Lang (tiếng Hoa) Lạc Lãng (tiếng Hán Việt) ở vùng Bình Nhưỡng ngày nay nhưng, cũng như ở Bắc Việt Nam, dân chúng và các thủ lĩnh địa phương luôn luôn nổi dậy chống lại ách đô hộ của Trung Hoa. Quận Lo Lang chỉ tồn tại đến thế kỷ IV sau Công nguyên. Đế chế Đường đặt An Nam đô hộ phủ ở Bắc Việt Nam cũng như An Đông đô hộ phủ ở vùng đông bắc Mãn Châu và có tham vọng hợp nhất lãnh thổ Koguryo và Parkche vào đế chế Đường. Song Shilla đã cầm vũ khí chống lại và chiến thắng của Shilla năm 676 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Hàn Quốc. Shilla đã thành công trong việc đẩy lùi quân nhà Đường ra khỏi bờ cõi bán đảo và giành được sự thống nhất lãnh thổ đầu tiên của mình (Xem Hàn Quốc… đã dẫn tr 21). Năm 905 Đại Việt cũng giành được quyền tự chủ và chiến thắng vĩ đại ở Bạch Đăng năm 938 của Ngô Quyền được coi là sự mở đầu thời Phục Hưng mới của nước Việt phương Nam thời trung đại.
*
*          *
Do hàng ngàn năm Bắc thuộc và do sau đó Đại Việt – nhất là từ XV-XIX – mô phỏng “mô hình Trung Hoa” (Xem, chẳng hạn Woodside, Alexander B Việt Nam and the Chinese model Cambridge, Mars, 1971) nên nhiều học giả Tây phương và Việt Nam cho rằng từ đầu Công nguyên trở về trước Việt Nam thuộc Contexte Đông Nam Á còn từ đó trở vể sau (cho đến cuối XIX) Việt Nam thuộc contexte Đông Á hay là thuộc “thế giới Hoa hoá” “thế giới Trung Hoa” (Xem lại M. Gernet, Léon Vandermeersch) hay “nằm trong qũy đạo (orbit) của Trung Hoa” (Xem, chẳng hạn Charles Higham The Archaeology of mainland SotheastAsia Cambridge Univesity Press, 1988)…
Có lẽ – theo tôi – sự tình không giản đơn như vậy. Cũng như Hàn Quốc, nước Việt có thời kỳ dài trọng đạo Phật hơn đạo Nho. Nhiều nhà sư Việt và nhà sư Hàn Quốc đã sang cả Trung Hoa và Ấn Độ để nghiên cứu và sưu tầm kinh Phật (Xem Cựu, Tân Đường thư, cũng xem Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam T.I. Nxb Giáo dục Hà Nội, 1961-1964…)- Như trên đã nói, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ là một “đối trọng” của ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa trên đất Việt và vùng Đông Nam Á nói chung. Dù đã xâm nhập từ đầu Công nguyên đạo Nho chỉ trở thành công cụ quyền lực và đời sống tinh thần ở Hàn Quốc vào thế kỷ XIV cùng với sự khởi đầu triều đại Choson (1392-1910) và ở Đại Việt từ thế kỷ XV với các triều đại Lê (1427-1786), Nguyễn (1802 – đầu XX). Trước đó, các triều đại hoàng gia Koryo (918-1392) ở Hàn Quốc cũng như các triều đại Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), Lý (1010-1226) Trần (1226-1400) ở Đại Việt vẫn hết sức coi trọng đạo Phật, gần như là quốc giáo.
Hàn Quốc cũng như Đại Việt – Việt Nam có quan hệ lâu đời với Trung Quốc và chịu ảnh hưởng rất lớn cả về văn hóa và chính trị của Trung Hoa trong khi cả hai nước láng giềng Đông Bắc Á và Đông Nam Á của Trung Quốc này vẫn duy trì nền Độc lập dân tộc và giữ gìn những bản sắc văn hóa riêng, nói cách khác là giũ gìn bản lĩnh dân tộc (national Identity)
Tôi chỉ muốn dẫn lại ở đây câu nói nổi tiếng của danh nhân văn hóa ức Trai – Nguyễn Trãi:
Như nước Đại Việt ta
Thật là một nước văn hiến!
Tự Triệu Đinh Lý Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên làm đế một phương.
Sơn hà cương vực đã khác biệt
Phong tục Nam Bắc cũng khác nhau!
(Bình Ngô đại cáo, 1428)
Đấy là bản Tuyên ngôn độc lập cả về chính trị và văn hóa. Huống chi, từ ngàn xưa cho đến hôm nay, nếu Hàn Quốc nằm trong vành đai gió mùa Đông Á thì Việt Nam thuộc vùng “Châu Á gió mùa (Đông Nam Á)”. (Xem, chẳng hạn Jules Sion Asie des moussons T.IX de la Géógraphi générale de p. vidal de la Balche, A, Colin, Faris, 1929) – Pierre Gourou L’Asie, Hachette, Parism 1953…). Và do môi trường sinh thái như vậy, xã hội Việt Nam và Đông Nam Á bao giò cũng thuộc phạm trù văn minh – xã hội trồng LÚA (xem chẳng hạn Yoneo Ishii Thai Land: A rice growing Society, the University Press of Hawaii, Honolulu, 1978. – Shinichi Ichimura (ed) Southeast Asia: Nature, Society and Development,KyotoUniversity, 1977…)
Cuối cùng, cần lưu ý đến một đặc điểm lớn của lịch sử Việt Nam thường được gọi là cuộc Nam tiến (March to the South) từ thế kỷ XI đến nửa đầu XIX. Tộc Việt, cư dân Việt càng tiến theo ven biển Đông về phương Nam, từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Cửu Long thì càng xa Trung Hoa hơn và càng gần lại với các nền văn minh Đông Nam Á cổ truyền hơn. Theo biên niên sử (Annales) Trung Hoa và Việt Nam, từ đầu công nguyên cho tới XVII-XVIII, các cảng thị nước Việt vẫn luôn luôn tiếp nhận thuyền – tàu của các nước Chà Và (Java), Thất Lợi Phật Thệ (Cri Vijaya), Tam Phật Tề (Palembang), La Hộc, Xiêm La (Thái Lan)…
Tóm một câu, trên diễn trình lịch sử, nước Việt, dân Việt nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa – chính trị Trung Hoa Đông Á song vẫn luôn luôn duy trì nền tảng văn hóa, môi cảnh địa – nhân văn Đông Nam Á của chính mình.
11-1994
* Nguồn: VĂN HÓA VIỆT NAM – Tìm tòi và suy ngẫm, nhà xuất bản Văn học, 2003. Tác giả: TRẦN QUỐC VƯỢNG.

BÀN THÊM VỀ VẤN ĐỀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM


TRẦN QUỐC VƯỢNG
I
Ngay từ khi dựng nước đầu tiên (thời Hùng), và trong những thời kỳ dựng lại nước tiếp theo (thời Khúc – Ngô, thời đại Hồ Chí Minh), nước ta đã là một quốc gia đa tộc: Văn Lang Âu Lạc cũng vậy, mà Đại Việt, rồi Việt Nam cũng vậy. Cố nhiên, trong quốc gia đa tộc ấy, bao giờ cũng có một tộc người đóng vai trò trung tâm liên kết: người Việt cổ hay người Việt hiện đại, mà có lúc ta quen gọi là Kinh.
Do đó, có ý thức quốc gia, mà cũng có tâm lý tộc người. Có cái chung, mà cũng có cái riêng, trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam.
Do vậy, và cũng do bản chất của văn hóa là đa dạng mà khi tiếp cận vấn đề văn hóa Việt Nam, chúng ta cần nhận thức nó như một phức thể thống nhất trong đa dạng.
Có truyền thống chung của văn hóa Việt Nam, cũng có sắc thái truyền thống riêng của từng vùng – miền, từng thành phần tộc người để hợp thành chỉnh thể Việt Nam.
II
Trong việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc phát triển nền văn hóa riêng – chung của các dân tộc Việt Nam, theo chúng tôi cần nhận nhìn và hoạch định ba phương hướng chiến lược sau đây:
1. Chiến lược kế thừa tinh hoa truyền thống, hay nói vắn và dễ hiểu, chiến lược bảo tồn.
2. Chiến lược xóa bỏ những phong tục – tập quán cổ truyền, những lạc hậu, lỗi thời, và những ảnh hưởng, di hại của văn hóa (đúng hơn: phản văn hóa) đô hộ – thực dân cũ và mới. Nói vắn và dễ hiểu, chiến lược cải tạo.
3. Chiến lược xây dựng ý thức hệ mới, nền văn hóa mới, con người mới Việt Nam, trên nển tảng chủ nghĩa Mác-Lênin. Nói vắn và dễ hiểu, chiến lược phát triển – đổi mới.
Cố nhiên, đấy chỉ là sự trừu tượng hóa của tư duy lôgích phân tích. Còn trong đời sống văn hóa Việt Nam hôm nay, cả ba mặt bảo tồn, cải tạo và phát triển, ở bất cứ lĩnh vực nào, từ cấp độ nhận thức tư duy, cảm nhận tâm lý, ứng xử ngôn từ và hành vi, cho đến những cấp độ y phục, xây dựng nhà cửa, bản làng, phố phường, đô thị và lao động sản xuất…, đều xoắn xuýt, quyện bện vào nhau, khó có một lĩnh vực nào, một vấn đề nào là thuần bảo tồn, thuần cải tạo hay là thuần đổi mới, xây dựng mới, phát triển mới.
Dưới đây, tôi chỉ phát biểu đôi ba ý kiến quanh truyền thống văn hóa và việc kế thừa truyền thống trong quá trình đổi mới – cách mạng nền văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam.
Chúng ta nên dứt khoát nhận định rằng trong tổng thể truyền thống của văn hóa loài người, cũng như tổng thể truyền thống văn hóa Việt Nam, đều có cả truyền thống tốt, tiến bộ và truyền thống xấu, lạc hậu. Như thế là vì truyền thống được hình thành và ổn định (tương đối) trong quá khứ, dưới các phương thức, hình thái kinh tế – xã hội, chế độ chính trị… của những xã hội có mẫu số chung là người bóc lột người, có một hằng số đáng buồn chung là sự tha hóa con người (cả thống trị và bị trị). Cho nên, trong kho tàng văn hóa cũ, không thể không in đậm những ý niệm thống trị một thời: đấy là ý niệm của giai tầng thống trị – bóc lột (Mác); và, dù có hai dòng văn hóa trong một nền văn hóa (Lênin), thì những nhân tố dân phủ và xã hội chủ nghĩa của nền văn hóa dân gian cũng không thể phát triển thành hệ thống – cấu trúc văn hóa độc lập được.
Để lấy một ví dụ chợt đến và đơn giản, hãy nói về thế ứng xử vợ, chồng trong tổng thể văn hóa cũ. Về mặt này, ta cũng lọc ra được đủ vẻ “nước đôi” và mâu thuẫn từ folklore cổ truyền:
- Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông củng cạn.
- Vợ chồng như áo cởi ngay tức thì
- Gái có chồng như gông đeo cổ.
- Gái có chồng như rồng có vây…
Có cái xấu ngay từ đầu và về bản chất, mà ta có thể và có quyền gọi là phản văn hóa, chứ không phải là văn hóa. Thế nhưng, trong cuộc đời cũ, hễ có văn hóa là có phản văn hóa, như trong vật lý có hạt và phản hạt, có vũ trụ và phản vũ trụ. Phản văn hóa, xin nhắc lại, là một khái niêm khá quan trọng của văn hóa học.
Ví dụ: Trong văn hóa phụ hệ, chồng áp bức vợ. Có cái không xấu ngay từ đầu mà về sau rnới xấu. Ví dụ: nền văn hóa văn minh quân chủ nào cũng phải đề cao ý thức tôn quân. Thời quân chủ đang lên, và với những ông vua tốt, “đời vua Thái Tổ – Thái Tông” như dân gian xưa nói, thì tôn quân đâu là chuyện xấu, vì vua đó là minh quân. Nhưng ở cuối thời quân chủ mà còn tôn quân thì lại là xấu, là “ngu trung”, nhất là “hôn quân” thì cần gì phải tôn trọng? Trần Hưng Đạo tôn quân là một ứng xử đáng ngợi ca, nhưng Lý Trần Quán mà tôn quân thì lại là một ứng xử không đáng khen, còn Phan Bội Châu vẫn tôn quân thì đã là một ứng xử lỗi thời.
Cho nên, một thế ứng xử, một truyền thống văn hóa là tốt hay là xấu cũng còn tuỳ ở bối cảnh lịch sử. Truyền thống vừa có tính ổn định, vừa có tính lịch sử,“có khi biến có khi thường”. Cũng vậy, truyền thống cũ vừa có tính cộng đồng, vừa mang dấu ấn giai cấp.
Không lạ rằng, khi xử lý vấn đề kế thừa truyền thống, Đảng ta bao giờ cũng nói:
1. Kế thừa một cách có chọn lọc và phê phán.
2. Phát huy tinh hoa vốn cũ dân tộc lên một trình độ mới, với một chất lượng mới cao hơn. Nói một cách khác, hợp thời hóa trong nhận thức và ứng xử. Đó cũng chính là một khía cạnh của việc đổi mới, cách tân văn hóa, mà tôi xin phép không bàn đến trong bài viết này.
III
Nói đến kế thừa truyền thống, chúng ta thường nghĩ ngay đến kế thừa những nét tinh hoa của truyền thống. Trong ứng xử và quan hệ xã hội, chúng ta thấy ở bất cứ dân tộc nào, miền nào trên đất nước ta, cũng đều có những tinh hoa đáng gìn giữ: tính hiếu khách, với chăn khách – gối khách cực kỳ đẹp đẽ của người Thái; bữa cơm khách, dù túng bấn, cũng phải sửa soạn cho tươm tất, của người Việt; tính sạch sẽ trong vệ sinh thân xác của người Chăm (một ngày tắm 4-5 lần, sau mỗi lần đều xức hương trầm…); nét thanh lịch của văn hóa Hà Nội; nét cởi mở của văn hóa Cửu Long…
Tôi xin phép được gọi đó là sự kế thừa hữu thức.
Thế nhưng, trớ trêu thay là lịch sử và cuộc đời, một cách vô thức, và khi hành động thì ngay cả sau khi chế độ phong kiến và thực dân hoàn toàn bị đánh đổ, thậm chí ngay cả hiện nay ở giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, mấy ai trong chúng ta lại không kế thừa những thói quen, phong tục xấu, ứng xử xấu…, di sản của một thời vua – quan – cường hào nghìn thuở, di sản của một thời thuộc địa – đô hộ Tàu – Tây – Nhật – Mỹ ngày trước và hôm qua.
Nếu không, tại sao lại có khái niệm “quan cách mạng” mà Bác Hồ đã có lần nói đến; tại sao bệnh quan liên còn nặng nề và phổ biên; tạo sao lại có sự xì xào, mà từ thời đầu hợp tác hóa và ngay trong thời chống Mỹ cứu nước, cho đến tận hôm nay, về cái nạn “cường hào mới” ở nông thôn xã hội chủ nghĩa của chúng ta? Nói đâu xa, trong giới trí thức mới hôm nay thiếu chi người còn vướng mắc cái thói quen xấu của nhà nho tin “sách vở thánh hiền” hơn thực tế cuộc đời, sính nói chữ và quen nhìn mặt chữ mà suy ra nhận thức về cái tưởng là chân lý và thực tế. Bệnh sách vở, bệnh giáo điều phải chăng vẫn còn là một bệnh của một bộ phận không ít lắm của trí thức hôm nay, và phải chăng không có ai trong chúng ta, hơn một lần trong cuộc đời, đã ứng xử với Mác, với Lênin chả khác gì các cụ trạng – nghè – cống ngày xưa ứng xử với Khổng Tử, với Mạnh Tử?
Tôi xin phép gọi đó là sự kế thừa vô thứa. Đó chính là cái mà các văn phẩm của chủ nghĩa Mác – Lênin gọi là sức ỳ. Truyền thống có sức ỳ của nó. Quá khứ vẫn có sức ép đè lên hiện tại. “Người chết vẫn níu lấy người sống” là như vậy.
Nhìn theo quan điểm chiến lược tổng thể, thì đó vẫn là những điều khó tránh (nếu không muôn nói là không thể tránh) ở thời quá độ này, ở không gian và thời gian văn hóa Việt Nam hôm nay, từ miền xuôi đến miền núi, từ Nam chí Bắc…
IV
1. Quanh việc kế thừa tinh hoa truyền thống một cách hữu thức, đã có vô số chuyện cần phải bàn cãi rồi.
Thế nào là kế thừa? Thế nào là tinh hoa truyền thống?
Mặt nào của đời sống văn hóa dân tộc cần bảo tồn nguyên vẹn? Hoa văn mặt phà Thái, thổ cẩm Tày – Nùng, cạp váy Mường, tượng mồ Tây Nguyên, múa rối nước Việt… chăng?
Mặt nào của đời sống văn hóa dân tộc, thì bảo tồn từng phần, xóa bỏ một phần, đồng thời phát triển ở một phần khác?
Lấy ví dụ về văn hóa hội hè – đình đám cũ, về lễ hội Việt Nam: có người đề nghị giữ phần hội, bỏ phần lễ. Chúng tôi cho rằng đó là một cách phi tôn giáo hóa, giải thiêng hội hè. Nhưng ngày xưa có hội nào mà không có lễ, mà nếu “giải thiêng” trọng vẹn đền chùa miếu mạo – trung tâm vật chất của văn hóa hội hè – thì dễ có mấy ai đi hội? Phải chi dùng biện pháp hành chính xóa sổ béng đi cả lễ lẫn hội, như có người, có nơi, có lúc đã làm, “cho nó tiện”!
Hội mà không lễ, cũng như cưới mà không ăn, không xin, thực ra dân có chịu không?
Quanh chuyện đó, sau đây là một ví dụ, và những thắc mắc có thể nảy ra từ ví dụ ấy. Không có hội Phủ Giầy “tháng ba giỗ Mẹ”, ngày xưa làm sao có nhạc hát chầu văn và “múa thiêng”? Vậy có nên bỏ hội Phủ Giầy nhưng vẫn giữ nhạc chầu văn, mà đưa lời mới vào theo cái khẩu hiệu một thòi “Bình cũ rượu mới”, liệu có được không? (Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao lại không ưa thế, yêu cầu hát đúng nhạc cũ – lời cũ, nhưng công chúng thưởng thức phải chọn lọc và tuỳ lúc, tuỳ nơi mà hát). Và tại sao, với lôgích nào, mà chỉ bảo tồn chầu văn, nhưng lại xóa “múa thiêng” (tôi tạm mượn chữ của bà J. Cuisinier, nói nôm là “lên đồng”), cũng như chỉ bảo tồn cây đàn tính, nhưng xóa hát then, hay chỉ hát then với điệu cũ, lời mới, xóa sạch nội dung tôn giáo của mo-then?
Một số ví dụ khác, trên một mảnh đất khác. Cứ tưởng tượng như có người đưa lên Bộ Văn hóa mấy kiến nghị sau đây: – Thành lập trung tâm nghiên cứu chèo, tuồng, để bằng mọi biện pháp giữ nguyên xi mọi miếng trò, mảng trò, tích cũ, lời xưa .. nhằm mục đích nghiên cứu; Còn nhà hát chèo, nhà hát tuồng thì vừa biểu diễn tuồng, chèo y như cũ, vừa viết vở mới, diễn vở mới, phát triển chèo mới, tuồng mới (chèo hiện đại, tuồng hiện đại). – Cũng vậy, một học viện ca-múa-nhạc-kịch dân tộc sẽ lưu giữ, nghiên cứu, truyền bá (nếu cần thì chỉ truyền bá trong phạm vi hạn chế) y nguyên vốn ca-múa-nhạc- kịch các dân tộc ở Việt Nam, từ tính tẩu, pí pặp, đến đàn bầu, từ then – sli – lượn đến quan họ, từ nhảy Hmông đến múa Chăm, từ rối nước Bắc Bộ đến dù kê Nam Bộ; – Còn các nhà hát ca-múa-nhạc hiện đại thì vừa biểu diễn các tiết mục cổ truyền y như cũ, vừa cải tiến nâng cao (hoặc hạ thấp không biết chừng!) các nhạc cụ cổ truyền (vốn thường có âm vực thấp, âm lượng kém), các tiết mục cổ truyền, tổng hợp nhiều làn điệu dân ca, dàn nhạc, dân vũ, và đưa lên sân khấu, gọi là kịch dân ca, nào là kịch dân ca quan họ, kịch dân ca Nghệ Tĩnh…
Một vài thắc mắc trên lý, trên lẽ thế thôi, cho thấy cái phức tạp của vấn đề. Trên thực tiễn, còn có cái phức tạp này nữa. Hữu thức, ta muốn bảo tồn y nguyên,ví như bảo tồn trang phục của các tộc người khác nhau ở ta, ít nhất cũng để sử dụng trong các ngày lễ hội cổ truyền hay hiện đại, trong các buổi đón khách nước ngoài hay các đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng. Nhưng về thực tế khách quan thì y phục dân tộc đang mờ dần và đang trên đà “Kinh hoá”, “xuôi hoá”, “Âu phục hoá’. Vì sao? Vì thiếu vải và vải màu? Vì thiếu chỉ và chỉ thêu? Vì đắt đỏ? Vì tiêu cực? Vì một mặc cảm mà tôi tạm gọi là “mặc cảm thiểu số”? (mặc cảm này là có thật ở một bộ phận không ít đồng bào và cán bộ người các dân tộc thiểu số anh em, khi họ tiếp xúc và làm việc với người miền xuôi, người Việt)…
Ấy là chưa nói đến chuyện bảo tồn cái nhà sàn Thái, Tày, Mường cái nhà nửa sàn – nửa đất H’mông-Dao, cái nhà rông Ba Na, nhà dài Xtiêng… Bảo tồn đến đâu? Còn đủ gỗ để làm không?…
Ấy cũng là chưa nói đến chuyện bảo tồn từng phần (mà có hướng dẫn) việc làm nương rẫy, hay là xóa hẳn việc làm nương rẫy, nên bảo tồn việc trồng cây thuốc ở người H’mông để Nhà nước thu mua làm dược liệu và xuất khẩu, hay là cấm tiệt việc làm thuốc phiện, phá nương trồng thuốc phiện, rồi người H’mông trốn vào đốt nương giữa rừng trồng “lậu” thuốc phiện, còn ngành y tế Việt Nam lại nhập thuốc phiện và các chế phẩm của nó để làm thuốc?
Thế là có hiện tượng này trong đời sống văn hóa của các dân tộc anh em ở Việt Nam: hữu thức, hô hào văn hóa một đằng; vô thức, thầm lặng một nẻo.
Và sao không có hiện tượng nửa vô thức, nửa hữu thức ở một số sự kiện văn hóa Việt Nam hôm nay, chẳng hạn như việc phục hồi dần dần một số lễ hội ở miền xuôi, miền núi, nhất là trong mười năm qua, đặc biệt trong dăm năm vừa qua, chẳng hạn như việc phục hồi bàn thờ tổ tiên ngay trong gia đình cán bộ cộng sản ở đô thị, một việc mà sau 1954 chưa hề là hiện tượng phổ biến?
Và trong lĩnh vực vô thức kế thừa, cái gì là xấu, là phản động (hiểu theo nghĩa triết học của Lênin), cần phải loại trừ? (ứng xử quan dạng, cường hào khệnh khạng, thích phô trương, ăn uống – nhậu nhẹt, thích giấy tờ, thích mệnh lệnh hơn là giải thích, cổ vũ, vận động, tổ chức tỉ mỉ…?) Loại trừ bằng cách nào? (lôi từ lĩnh vực vô thức lên lĩnh vực ý thức, để nhận thức cho kỹ mà xóa bỏ?)
Và có hay không có sự kế thừa vô thức nhưng mà tốt?
Nói cho cùng kỳ lý thì con người là một sinh vật có ý thức, và chẳng có cái gì hoàn toàn vô thức ở con người. Nhưng, theo tôi, hoàn toàn phủ nhận phạm trù vô thức như J.P.Sartre đã làm, thì không ổn. Nền tâm lý học Xô Viết, từ sau hội nghị cuối năm 1979, cũng đã thừa nhận phạm trù vô thức, một phạm trù mà Mác vĩ đại vẫn dùng và đã dùng trong tác phẩm của mình, chẳng hạn trong Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ.
Trong nhân dân ta, trước đây cũng như ngày nay, nhiều hiện tượng kế thừa vô thức (như thói quen, kinh nghiệm nghề nghiệp, chiêm nghiệm thời tiết, thời vụ…) đã đưa lại những kết quả có khi khá tốt. Tuy vậy, chúng tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, việc kế thừa một cách có chọn lọc và phê phán, việc phát huy tinh hoa vốn cũ của dân tộc lên một bước với một chất lượng cao hơn, là một công việc hữu thức của nhiều cơ quan văn hóa – nghệ thuật, một công việc cần được tiến hành có kế hoạch, có bước đi cụ thể, có dự báo, thì mới đạt được hiệu quả mong muốn.
* Nguồn: VĂN HÓA VIỆT NAM – Tìm tòi và suy ngẫm, nhà xuất bản Văn học, 2003. Tác giả: TRẦN QUỐC VƯỢNG.