Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Lần đầu tiên Việt Nam tham dự đấu xảo tại Pháp năm 1877



Nguyễn Thu Hoài

TẠP CHÍ XƯA & NAY SỐ 406 (06 – 2012 )

NGÀY NAY KHI NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM ĐÃ PHÁT TRIỂN VỚI TỐC ĐỘ KHÁ CAO, CÁC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG HÓA VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC, QUỐC TẾ MỞ RA THƯỜNG XUYÊN, NGƯỜI DÂN CÓ ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN VỚI THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI VÀ CÁC DOANH NGHIỆP CŨNG CÓ NHIỀU CƠ HỘI ĐỂ MỞ RỘNG MÔI TRƯỜNG KINH DOANH. NHƯNG CÁCH ĐÂY HƠN MỘT THẾ KỶ VÀO NĂM 1877, VIỆC TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN ĐƯA HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM (LÚC ĐÓ LÀ ĐẠI NAM) SANG THAM DỰ ĐẤU XẢO(1) TẠI THỦ ĐÔ PARIS NƯỚC PHÁP CÓ THỂ COI LÀ MỘT DẤU MỐC QUAN TRỌNG CỦA NGÀNH NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM.
Các gian hàng Đông Dương trong Triển lãm Thuộc địa, Marseille 1922
Tình hình ngoại thương Việt Nam thế kỷ XIX trở về trước
So với nhiều nước trong khu vực, việc xúc tiến thương mại bên ngoài lãnh thổ của các triều đình phong kiến Việt Nam khá chậm chạp. Thực chất từ thế kỷ XV- XVI các thương nhân của một số nước láng giềng đã đến trao đổi buôn bán với người Việt. Đáng kể nhất là các lái buôn người Trung Hoa đến từ Quảng Châu, Triều Châu, Phúc Kiến…  bằng đường bộ và đường biển. Hàng hóa họ mang đến cao cấp là các loại gấm, lụa, tơ, sa hay bình dân hơn là thuốc bắc, vải, bút, mực, giấy, kim, chỉ, khuy áo… họ mua về lâm thổ sản, hồ tiêu, cau khô, đường, sa nhân… Sau người Trung Hoa là người Nhật Bản cũng đến Việt Nam, các thương nhân Nhật Bản hình thành nên khu phố buôn bán sầm uất tại Hội An. Họ chủ yếu buôn bán đồ đồng, vải bông, vũ khí, diêm sinh… Thế kỷ XVII những người Tây Âu bắt đầu đặt mối quan hệ thương mại ở Đại Việt.  Đầu  tiên  có  lẽ  là  những  nhà buôn người Bồ Đào Nha, tiếp đến là người Hà Lan, Anh, Pháp… Họ đến chủ yếu bằng đường biển, hàng hóa đem đến thường là các loại vũ khí, đồ kim loại; hàng hóa mua về gồm tơ, lụa, vải thô, đồ gốm và các loại hàng nông sản. Tuy nhiên việc giao dịch thương mại với nước ngoài, đặc biệt là với Tây Âu càng về sau càng sa sút  và  gần  như  chấm dứt vào cuối thế kỷ XVIII vì nhiều lý do.
Sang thế kỷ XIX các vua nhà Nguyễn ban đầu cũng không quá khắt khe đối với các thuyền buôn phương Tây khi đến trao đổi mậu dịch tại Việt Nam. Thậm chí vua Minh Mệnh còn bãi bỏ lệ cũ, giảm thuế cho các tàu buôn nước ngoài tại cảng khẩu để “tỏ lòng yêu mến người phương xa”. Thống kê từ tài liệu châu bản triều Nguyễn(2) chỉ tính riêng hai năm Minh Mệnh 6 và 7 (1825 – 1826) đã có 84 tàu thuyền nước ngoài, với trên 100 lượt ra vào các cảng khẩu của Việt Nam. Trong đó có 77 thuyền của người Thanh, 6  tàu của Pháp và 1 tàu của Anh xin vào các cảng như cửa Lác (Nam Định), cửa Hội (Nghệ An), cửa Đà Nẵng, cửa Đại Chiêm (Hội An), cửa Thị Nại (Quy Nhơn), Vũng Lấm (Phú Yên), cửa Cần Giờ (Gia Định). Vua cũng muốn mở rộng thương mại với các nước nên đã nhiều lần cử các đội thuyền trong nước ra nước ngoài như đến Hạ Châu (Singapore), Giang  Lưu  Ba  (Indonesia),  Lữ Tống (Luzon – Philippines), Quảng Châu… để giao dịch buôn bán. Tuy nhiên về sau vì lo sợ người phương Tây nhòm ngó xâm lược, các giáo sĩ lợi dụng tàu buôn đến truyền đạo Gia tô và các thuyền trong nước ra nước ngoài buôn bán thường gặp cướp biển nên việc thương mại mậu dịch với bên ngoài ngày càng thu hẹp và hạn chế.
Dưới thời vua Tự Đức việc đóng cửa buôn bán với bên ngoài càng gắt gao hơn, trong một đạo dụ năm Tự Đức thứ nhất (1847) đã nêu rõ “người Tây dương không cho đến thông thương là để chặn lòng mọi rợ mà tôn cao thế nước”(3). Vì vậy các tàu buôn của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ đến xin giao dịch đều bị từ chối. Về sau người Pháp chiếm được Nam bộ gây sức ép, buộc triều đình phải cho các tàu của Pháp vào buôn bán. Năm  1865 (Tự Đức thứ 19), người Pháp mở một cuộc đấu xảo, thực chất là cuộc trưng bày và bán sản phẩm hàng hóa của Pháp tại Kinh thành Huế. Viên chủ soái người Pháp đưa thư đến triều đình yêu cầu các quan lại cùng dân đến xem hội. Vua Tự Đức hỏi các đại thần rằng: Ta cũng mở trường đấu xảo yêu cầu người Tây dương đến xem để phô bày cái khéo, thì có ích gì không? Cơ mật viện thưa rằng: Phong tục người phương Tây, lấy máy móc tinh xảo tự khoe khoang, lại có ý muốn sang bên Á Đông, nếu mời họ đến sợ các nước đều đến có nhiều điều không tiện. Vua cho là phải(4).
Tham dự đấu xảo tại Pháp năm 1877
Năm 1877 (Tự Đức thứ 31) nước Pháp tổ chức cuộc đấu xảo tại thành Ba Lê (Paris). Trước đó Quốc trưởng nước ấy đã gửi thư cho triều đình đề nghị  Đại Nam gửi hàng hóa tham gia. Vốn sẵn tâm lý e ngại phương Tây nhưng sợ làm phật lòng người Pháp, vả lại lúc đó Pháp đã chiếm được 6 tỉnh Nam kỳ, triều đình Nguyễn trong tình thế bất đắc dĩ lại muốn tìm cách hòa hiếu để chuộc đất, vì vậy vua Tự Đức cử Nguyễn Thành Ý(5) dẫn đầu phái đoàn sang Pháp. Thực chất ý đồ chuyến đi đó không chỉ là đem hàng hóa đi thi thố mà còn nhằm mục đích thăm dò tình hình phương Tây và xem xét thiết lập sứ quán ta tại Pháp. Đoàn sứ bộ gồm 30 người do viên Quang lộc tự khanh kiêm Lãnh sự tỉnh Gia Định Nguyễn  Thành  Ý  khâm  phái  dẫn đầu, cùng các viên Tả Tham tri lãnh hàm  Thượng  thư bộ Lại Nguyễn Tăng Doãn, Tham biện Vũ Văn Phú, Hồ Trọng Đĩnh, Tham biện kiêm Thông ngôn Nguyễn Hữu Cư… khởi hành từ tháng 10 năm 1876 đến tháng 11 năm 1877 thì trở về. Trong chuyến đi đó, Nguyễn Tăng Doãn, Hồ Trọng Đĩnh nhận nhiệm vụ cùng đoàn tùy tùng 8 người đến nước Y Pha Nho (Tây Ban Nha) tham quan tình hình sau đó quay trở lại Pháp. Nguyễn Thành Ý, Vũ Văn Phú, Nguyễn Hữu Cư đem hàng hóa đến trưng bày tại cuộc đấu xảo ở thủ đô Paris nước Pháp. Nguyễn Thành Ý sau đó còn có dự định sang nước Anh nhưng người Pháp không cho mượn tàu nên việc ấy bị hoãn lại.
Tháng 11 năm Tự Đức 31 (1877), tức là sau khi vừa từ nước Pháp trở về, Nguyễn Thành Ý đã làm 2 bản báo cáo chi tiết tâu trình lên vua Tự Đức. Trong đó một bản tấu ngày 21 tháng 11 dài 44 trang tường trình về chuyến tham dự đấu xảo tại thủ đô Paris nước Pháp(6) và một bản tấu ngày 26 tháng 11 dài 20 trang trình bày về tình hình nước Pháp và một số nước Tây Âu(7).
Riêng về chuyến tham dự đấu xảo tại Paris, theo báo cáo của Nguyễn Thành Ý gồm có 35 nước tham dự như Pháp, Anh, Nga, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Áo, Phổ, Hy Lạp, Ba Tư, Đại Thanh, Nhật Bản, Xiêm La, Mã Lai, Đại Nam… Khu hội chợ đặt tại quảng trường lớn ở trung tâm thủ đô có chiều dài 4.500 thước(8), rộng 2.250 thước gồm 11 dãy nhà trưng bày. Trong đó 1 dãy ở trung tâm được trang hoàng tráng lệ nhất là khu trưng bày hàng hóa của nước Pháp, 5 dãy bên phải là khu trưng bày hàng hóa của các nước Tây Âu, 5 dãy bên trái là khu trưng bày của các nước châu Á, Tân thế giới và các thuộc quốc của Anh, Pháp, Phổ.
Đấu xảo mở trong 6 tháng, khai mạc ngày 30 tháng 3 năm 1877, mở cửa từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày, mỗi ngày trung bình có khoảng 5 – 6 vạn người tham quan, ngày Chủ nhật số lượng người đến xem còn nhiều hơn. Khách  tham quan đều phải mua vé nên số tiền nước Pháp thu được đến khi bế mạc ước khoảng 1200 vạn quan.
Các nước tham dự đấu xảo đều phải thuê khu trưng bày hàng hóa tùy theo diện tích rộng hẹp, như nước Anh tiền thuê là 200 vạn quan, Nga là 150 vạn quan, Đại Thanh, Nhật Bản đều 50 vạn quan, Đại Nam ta là 1 vạn 500 quan. Hàng hóa trừ loại nào không tiêu thụ được và các vật quý chỉ trưng bày không bán thì không phải chịu thuế, còn lại đều đánh thuế 10%, hàng hóa của nước Pháp cũng như vậy. Khách tham quan chọn mua loại hàng hóa nào đều đăng ký tại nơi trưng bày đến khi kết thúc hội chợ mới giao tiền và nhận hàng.
Hội đồng kiểm định hàng hóa đấu xảo gồm có 9 hội đồng đều đặt Chánh, Phó hội trưởng phân công xem xét, đánh giá hàng hóa của các nước để phân biệt nghị thưởng. Hàng hóa được phân làm 96 loại, mỗi loại đều đánh giá xếp hạng 1,2,3. Nước Pháp đã chi 150 vạn quan để làm phần thưởng.
Hàng hóa tham dự đấu xảo của nước Pháp là phong phú nhất gồm kim cương, ngọc quý, san hô, hổ phách, thủy tinh, pha lê, đồng hồ, tranh, tượng đá, tượng đồng, các đồ điêu  khắc mạ vàng mạ bạc, trang sức, quần áo, da thuộc, thuốc lá, rượu, thậm chí cả các loại vũ khí, đạn dược… Đại Thanh cũng tham gia với khá nhiều hàng hóa như bình phong, trướng gấm, giường gỗ, rương gỗ, ngọc thạch, ngà voi, đồ gốm, sơn mài, nam châm, gấm sa, tơ, da, lông thú, đèn lồng, giấy, chiếu, dao, cung, kiếm, các loại ngũ cốc, thảo dược, nấm… Đại Nam ta tham gia với các hàng hóa như giường, tủ, rương, hòm, bàn ghế gỗ có khảm xà cừ; lược, gương, quạt, khung tranh làm từ ngà voi, sừng tê, đồi mồi; các loại hộp trầu, khay đựng, tráp bọc bạc hoặc khảm xà cừ; các loại nón, võng đay, lụa(9)… Báo cáo cũng nhận định, hàng hóa tham dự đấu xảo lần này nhiều không kể xiết, mỗi nước đều có cái đặc sắc riêng nhưng nói đến các hàng cơ khí thì nước Anh là đứng đầu; các hàng trang sức, mỹ nghệ, tơ vũ, pha lê thì nước Pháp đứng đầu; các hàng điêu khắc, chạm trổ, tơ sa, nam châm thì Đại Thanh đứng đầu; các hàng khảm xà cừ thì Đại Nam đứng đầu; các hàng sơn mài thì Nhật Bản đứng đầu. Khu đấu xảo của nước ta tuy không rộng, hàng dự đấu xảo cũng không nhiều nhưng đều là những thứ trang nhã tốt đẹp, lại bày đặt khá chỉnh tề dễ coi. Người các nước phương Tây đều thích xem, không chỉ nhiều người ái mộ mà Tổng thống Pháp và các Bộ trưởng Thủy lợi, Nông nghiệp, Thương nghiệp cùng Khâm phái của các nước cũng đều khen. Bộ trưởng Thủy lợi Pháp nói rằng: Người phương Tây thích xem các vật lạ, hàng hóa của Đại Nam đều là những thứ khéo léo, tinh xảo vì thế người phương Tây rất thích xem. Bộ trưởng Nông nghiệp, Thương nghiệp đều nói: Đại Nam lần đầu tiên tham dự đấu xảo nhưng hàng hóa rất đẹp và nhiều.
Kết thúc cuộc đấu xảo, hàng hóa của Đại Nam nhận được 4 phần thưởng. Ngoài ra Quốc trưởng nước Pháp cũng gửi tặng triều đình ta 1 chiếc bội tinh và 1 chiếc tặng riêng cho Nguyễn Thành Ý. Chuyến đi đó Nguyễn Thành Ý mua về 2 tấm bản đồ năm châu, 1 tấm bản đồ các nước phương Tây và 6 bản đồ hải trình từ phương Đông sang phương Tây. Mặc dù chuyến đi với nhiều mục đích nhưng dưới góc độ thương mại có thể nói là khá thành công, hàng hóa hầu như được bán hết và thu về một số tiền lớn. Tuy nhiên lần đó vua Tự Đức lại không thấy hài lòng về kết quả chuyến đi, tại bản tấu ngày 26 tháng 11 của Nguyễn Thành Ý đệ trình về tình hình nước Pháp và phương Tây, vua Tự Đức phê: “Những điều trình trong bản tấu đều là bàn luận cao xa không thực tế, không thể thi hành được. Các ngươi được cử đi sứ lần này một là để sửa sang hòa hiếu, rộng đường giao thiệp nên đều cử người hiểu biết làm được việc thế mà không được việc gì, lại tâu bày những điều hão huyền, truyền giao xuống cho Đình thần bàn xét vào tội không đảm đương được chức phận xử cách ly chức”(10). Sau đó vua đặc ân chuẩn cho Nguyễn Tăng Doãn giáng về hàm cũ làm Tả Tham tri Bộ Lại, Nguyễn Thành Ý bị cách chức lưu.
Những cuộc đấu xảo tiếp theo
Sau khi người Pháp chiếm toàn bộ Việt Nam, họ còn tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đấu xảo tại thuộc địa, và đưa các đoàn thương mại Việt Nam sang dự đấu xảo tại Pháp.
Năm 1886 (Đồng Khánh năm thứ 2), nước Pháp tổ chức hội chợ đấu xảo tại Hà Nội, sau đó Quốc trưởng nước Pháp cũng gửi thư mời Đại Nam tham dự cuộc đấu xảo được tổ chức đầu năm 1889 tại Pháp. Tuy nhiên cuối năm 1888 vua Đồng Khánh mất, vua Thành Thái kế vị khi mới 10 tuổi, mặc dù tình hình chính trị trong nước lúc này rất rối ren nhưng Đại Nam vẫn cử người đưa hàng hoá sang tham dự.
Tháng 5 năm 1894 (Thành Thái năm thứ 6), nước Pháp lại tổ chức đấu xảo ở thành Lyon, lần này Nguyễn Trọng Hợp(11) được cử làm Chánh sứ cùng đoàn sứ bộ và đại diện 2 nghiệp hộ sản xuất ở Quảng Nam đem hàng hóa sang Pháp dự đấu xảo.
Năm 1906 (Thành Thái thứ 18), nước Pháp tổ chức Hội chợ thuộc địa ở Marseille (Exposition coloniale de Marseille), Nguyễn Văn Vĩnh(12) cùng với viên Đốc lý người Pháp lúc đó ở Hà Nội là Hauser được cử mang hàng hóa sang Pháp để tổ chức gian hàng Bắc kỳ tại hội chợ.
Năm 1922 (Khải Định năm thứ 7), nước Pháp một lần nữa mời Đại Nam tham dự hội chợ thuộc địa Mar-seille, vua Khải Định đã đích thân sang Pháp dự hội chợ, tuy nhiên các tài liệu không cho thấy lần này Đại Nam gửi hàng hóa tham gia.
Như vậy có thể nói chuyến tham dự đấu xảo năm 1877 tại Paris – Pháp không chỉ là một mốc quan trọng đối với thương mại nước ta thời kỳ phong kiến mà còn là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong lịch sử Việt Nam. Lần đầu tiên hàng hóa của Việt Nam tham dự một hội chợ thương mại quốc tế lớn và được các nước đón nhận, đánh giá cao. Trước đây hàng hóa của nước ta ra thế giới hầu hết đều do các thương nhân nước ngoài đến mua và mang đi. Thành công của chuyến đấu xảo lần này đã phần nào khẳng định năng lực, độ tinh xảo, khéo léo cũng như sự phong phú của các ngành hàng do người Việt sản xuất. Đại Nam sau đó tiếp tục nhiều lần được mời tham dự các cuộc đấu xảo, hội chợ thương mại tại Pháp. Điều đó cho thấy người phương Tây rất yêu thích, quan tâm đến các sản phẩm của người Việt và hàng hóa của Việt Nam bước đầu có vị thế trên thị trường hàng hóa thế giới.
 
CHÚ THÍCH:
1. Đấu xảo: thi khéo, là cuộc thi để so sánh các phẩm vật về kỹ nghệ xem cái nào khéo hơn, ngày nay thường gọi hội chợ triển lãm.
2. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đại Nam thực lục, tập 7 (chính biên), bản dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.100.
4. Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.996.
5. Nguyễn Thành Ý (1819-1897), người làng Tuý La, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1874, ông được cử làm Lãnh sự ngoại giao đầu tiên của Đại Nam tại soái phủ Sài Gòn, ông từng đại diện cho triều đình Huế trong các cuộc thương thuyết với Pháp và đã sang Pháp nhiều lần. Gần cuối đời ông về Huế và được thăng hàm Thượng thư Bộ Binh.
6. Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 310, tờ 137 – 158 (1 tờ = 2 trang).
7.  Châu bản triều Nguyễn, Sđd, tờ 189 – 198.
8. Thước (尺 – xích ) đơn vị đo lường cổ, 1 thước = 0,3333m.
9. Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 290 tờ 16; tập 294 tờ 232 – 233 (hàng hóa dự đấu xảo lần đó hầu hết do các thợ giỏi của Hà Nội và Nam Định chế tác).
10. Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 310, tờ 198.
11.  Nguyễn Trọng Hợp (1834  – 1902) tên thật là Nguyễn Huyên người làng  Kim  Lũ,  huyện  Thanh  Trì  (Hà Nội), đỗ Cử nhân năm 1858, đỗ Tiến sĩ  năm  1865.  Ông  từng  giữ  các  chức Tổng đốc Định Yên, Sơn Hưng Tuyên, Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hình dưới thời vua  Tự  Đức;  Khâm  sai  quyền  Kinh lược sứ Bắc kỳ, Cơ mật viện đại thần, Tổng tài Quốc sử quán dưới thời vua Đồng Khánh; Phụ chính đại thần đời vua Thành Thái. Ông từng đại diện cho triều đình Huế trong các cuộc thương thuyết với Pháp và được phong tước Vịnh Trung tử.
12. Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) người làng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay là Hà Nội). Ông vừa là nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhà phiên dịch nổi tiếng đầu thế kỷ XX; thông thạo tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Pháp; từng làm thư ký ở Tòa sứ Lào Cai, Kiến An, Hà Nội; tham gia sáng lập và giảng dạy tại trường Đông Kinh nghĩa thục. Sau khi tham dự Hội chợ thuộc địa Marseille (năm 1906) ông từ bỏ cuộc đời công chức ra kinh doanh, mở nhà in, làm báo, dịch sách; từng là chủ  bút  tờ Đồng văn nhật  báo, Notre Journal, Notre Revue, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, An Nam Nouveau…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét