Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

9 CÁCH VIẾT PHẦN MỞ ĐẦU BÀI BÁO HẤP DẪN



Nguồn: http://www.facebook.com/photo.php?fbid=460986643936148&set=a.416665975034882.95578.214507538584061&type=1&theater

1. TIẾP CẬN THỰC TẾ

Một mào đầu mà trong đó, thực tế cuộc sống được đưa ra chân thực như thể tác giả đã bứng một góc cuộc sống để đặt vào, đến nỗi khiến người đọc có cảm giác nhân vật ấy, vấn đề ấy tồn tại đâu đây bên cạnh mình, đó là một mào đầu tiếp cận thực tế.

Để viết được mào đầu này, xin đừng quên một quy tắc cổ điển, đơn giản và khó có thể thay thế được trong báo chí, đó là tạo một mào đầu bằng 5 yếu tố: Ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao. Quy tắc này giúp phóng viên có thể đưa ra rất nhiều thông tin hấp dẫn ngay từ mào đầu. Dưới đây là một mào đầu trong bài phóng sự bàn về vấn đề giáo dục từ xa cho trẻ em tiểu học:

“Jesse, một cậu bé 10 tuổi khá sáng dạ sống tại làng Winter, phía Nam thành phố London (Anh), mỗi tuần đọc 5 cuốn sách. Jesse rất thích đọc sách giáo khoa, say mê các cuốn tiếu thuyết khoa học viễn tưởng nhưng lại ghét đi trời mưa. Cậu thích bơi, thăm các viện bảo tàng, rất yêu cô em gái hai tuổi nhưng rất ghét dọn dẹp phòng riêng.

Trước đây, Jesse theo học tại một trường tiểu học tư thục. Tuy nhiên, từ lớp hai đến lớp bốn, cậu trở thành học sinh học tại nhà. Và mặc dù không hoàn toàn đồng ý với phương pháp giáo dục mới này nhưng hiện tại, mẹ của Jesse là giáo viên duy nhất của cậu”.

Thay vì đi thẳng vào sự thật, tác giả kể một câu chuyện gần gũi, đời thường có nhân vật cụ thể với tên, tuổi, cuộc sống, không gian, sở thích. Điều này kích thích trí tò mò của độc giả vì họ cảm thấy nhân vật ít nhiều có những điều gần giống với cuộc sống của chính mình.

2. MỞ ĐẦU DẪN DẮT

Hãy tránh xa cách vào đề theo kiểu sách giáo khoa và hãy thử một mào đầu có tính chất giai thoại, với lối dẫn dắt có đôi chút hư cấu. Loại này ứng dụng rất tuyệt vời với những chủ đề vốn khô khan hoặc các vấn đề khoa học có tính lý thuyết cao. Đây là đoạn mở đầu bài báo nói về những tiến bộ trong ngành khám chữa bệnh thính giác.

“Một vài năm trước đây, một người bạn ngoài 40 tuổi kể với tôi rằng chị bị điếc từ năm lên sáu. Sau một ca phẫu thuật, thính giác của chị trở lại hoạt động bình thường. Xúc động nhất, chị kể, là khi tỉnh thuốc mê, thấy cô y tá mở vòi nước trong phòng tắm, chị có thể nghe được tiếng nước đang chảy. 'Đó là một giai điệu tuyệt vời,' chị nói”.

Nếu tác giả dùng mào đầu bài viết để kể về lịch sử của ngành y tế khám chữa bệnh thính giác hoặc tập hợp những thống kê, số liệu khoa học về việc hiện có bao nhiêu người đang bị các bệnh về thính giác… phóng viên có thể sẽ đánh mất độc giả của mình ngay lập tức.

3. MỞ ĐẦU BẰNG MỘT NHÂN VẬT

Chuẩn bị viết một bài báo mà trong tay không có số liệu hoặc chưa đủ các tư liệu cần thiết, bạn hãy liều mình mào đầu bằng một nhân vật có liên quan đến chủ đề. Thực ra, bản thân nhân vật, khi được coi là điển hình, cũng đã là một dạng tư liệu hấp dẫn và đầy sức sống. Sau đây là mào đầu trong một bài viết về trào lưu sống thử trong thanh niên, sinh viên xa nhà hiện nay:

“D, sinh viên trường Nông lâm và Q, sinh viên Ngoại ngữ mới quen được một tuần, đến ngày thứ 8 đã kéo nhau về sống thử như vợ chồng. Từ ăn mặc, chợ búa, mua sắm đến cả việc học hành lẫn “XX” đều không thể không chung”.

Tương tự như thế, sau hai đoạn tiếp theo, tác giả lại tiếp tục vẽ ra một bức tranh khác với nhân vật là cặp “vợ chồng sống thử” làm công nhân tại một khu công nghiệp. Cuối cùng, trong đoạn kết, tác giả đưa ra quan điểm của những người ngoài cuộc về vấn đề này. Bài viết hoàn toàn không cung cấp số liệu, chỉ minh chứng bằng nhân vật và đưa ra một số ý kiến do tác giả thu thập được song vẫn khiến người đọc thấy hấp dẫn và tin cậy.

4. DỰNG BỐI CẢNH

Một nhà báo kể lại: Sau khi tiếp xúc với hai người phụ nữ chuyên làm nhiệm vụ giúp việc chăm sóc người cao tuổi, tôi đã quyết định viết về họ. Tôi đã cố gắng thử đi thử lại tới năm, sáu lần viết mào đầu nhưng không thành. Nhân vật, công việc và sự tất bật của họ cứ hiện lên trước mắt mà tôi không biết túm vào đâu để bắt đầu bài viết. Một ý tưởng chợt lóe lên, tôi “bê” nguyên sự bận rộn và nhiệt tình của họ vào mào đầu để chính nó tự nói lên tất cả. Đó là lý do tôi chọn một mào đầu dựng cảnh để có thể diễn đạt được ý tưởng của mình:

“Chuông điện thoại réo vang: Mẹ tôi đang cần đi chụp X-quang. Việc này phải mất tới vài ngày mà tôi đang bận đi công tác, không thể đưa bà đi được. Chị có thể giúp tôi được không?”

“Chuông điện thoại tiếp tục réo: Ông nội tôi…”

Sau đó, tác giả liệt kê tiếp hai cuộc gọi nữa, cũng vẫn giữ nguyên hình thức thể hiện và tiếp đó ông viết:

“Mỗi lẫn nhấc điện thoại là một lần họ nói câu đồng ý. Họ luôn vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Họ chính là những người giúp việc gia đình tại Thung lũng Lehigh, ở Guthsville, PA”.

5. MỞ ĐẦU GÂY "SỐC"
Chẳng có gì hấp dẫn độc giả bằng một mào đầu gây sốc. Bạn có thể bắt đầu bài báo bằng một lời phát biểu, một hình ảnh sốc. Mào đầu này đặc biệt hiệu quả với những bài viết mang tính cảnh báo:

“Scott chết khi em mới được năm tuổi rưỡi. Em sinh ngày 29 tháng 12 năm 1969. Lúc mới sinh, Scott trông rất kháu khỉnh với mái tóc xoăn vàng nhạt và đôi mắt xanh to. Đặc biệt, em khỏe mạnh, háu ăn và hiếu động.

Nhưng rồi, Scott đã bị nhiễm bệnh Tay-sachs…”.

Đây là mào đầu trong bài viết cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh Tay-sachs, một loại bệnh di truyền lặn với nhiễm sắc thể thân gây ngu đần và mù ở trẻ em. Căn bệnh này đang gia tăng trong khi nhiều cặp vợ chồng còn thờ ơ và thiếu hiểu biết về nó.

Đôi khi, muốn gây sốc cho độc giả, bạn có thể sử dụng đại từ nhân xưng để trực tiếp gọi và trò chuyện với độc giả ngay trong mào đầu.

“Những người cao tuổi nên thận trọng với những lời đường mật của một số tên dược sĩ dởm khi chúng nói rằng đang gửi đến cho các ông bà những thiết bị y tế được tài trợ bởi Chương trình của chính phủ Mỹ về chăm sóc người già trên 65 tuổi”.

6. ĐẶT CÂU HỎI

Bằng việc đưa ra một câu hỏi, bạn sẽ dẫn độc giả vào sự suy nghĩ và tham gia tìm câu trả lời. Câu hỏi có thể đến ngay trong câu đầu tiên của bài báo hoặc đi sau một vài câu bình luận. Đây là một mào đầu đưa ra câu hỏi trong một bài viết về nạn văng tục, chửi bậy đang trở nên phổ biến trong giao tiếp. Câu hỏi như một cách đặt vấn đề khiến độc giả phải suy nghĩ.

“Bạn đã bao giờ văng tục hoặc khi nghe người khác văng tục, bạn có cảm thấy ngượng ngùng vì phải nghe điều đó chưa?”

7. DÙNG CÂU TRÍCH DẪN

Một cách viết mào đầu khá quen thuộc là sử dụng câu trích dẫn của một nhân vật có thế lực kèm theo giới thiệu tên, xuất xứ, chuyên môn của người đó hoặc bối cảnh phát ngôn.

“Ngày 2/10, phát biểu trên truyền hình, Cảnh sát trưởng Ian Blair của thành phố London (Anh) đã xin từ chức với lý do “vì đặt lợi ích của người dân và Sở cảnh sát London lên trên hết”.

8. MỞ ĐẦU BẰNG ĐOẠN HỘI THOẠI

Hội thoại là một trong những nguyên liệu quan trọng mà phóng viên có thể sử dụng để viết mào đầu. Đối với một bài báo mà chủ đề có vẻ mang chút kịch tính thì một mào đầu hội thoại rất hiệu quả. Đây là đoạn mở đầu trong một bài viết về tôn giáo:

“Mẹ, thế là mẹ đồng ý rồi phải không. Con phải từ bỏ mọi thứ con yêu vì Đức cha Moon và niềm tin của người”, Athur, cậu con trai 22 tuổi của tôi đang nói qua điện thoại. “Âm nhạc của con, chiếc trống của con, căn hộ và cả bạn gái con nữa”.

Trong đoạn mở đầu hiện lên hình ảnh hai mẹ con và những tâm tư của họ. Câu mở đầu tạo kịch tính và những cảm xúc khác nhau cho người đọc.

9. MỞ ĐẦU BẰNG VIỆC THỂ HIỆN QUAN ĐIỂM

Cuối cùng, nếu bạn không thể sử dụng được một mào đầu nào trong số trên, bạn hãy nghĩ đến việc bắt đầu bài báo bằng việc đưa ra một lời tuyên bố, thể hiện một quan điểm. Mào đầu này đọc có vẻ hơi “thật thà” nhưng bù lại dễ tạo niềm tin với độc giả. Chú ý dùng những câu giản dị, rõ ràng và thẳng thắn. Đây là mào đầu của bài viết “Liệu luật pháp có đối xử sai với phụ nữ”:

“Công việc của tôi là bào chữa cho những người phụ nữ mang tội giết chết những người đàn ông đã lạm dụng tình dục họ. Tôi gặp khách hàng của mình trong nhà tù”. Mào đầu trên không chỉ là một minh chứng cho tính xác thực của bài báo, bộc lộ quan điểm của tác giả mà còn là một lời mời độc giả bước vào… nhà tù cùng tác giả.

LƯU Ý KHI VIẾT PHẦN MỞ ĐẦU

Dù bài viết của bạn đề cập đến vấn đề gì đi nữa thì điều bạn muốn nói phải được nhận ra ngay trong đoạn mào đầu, thậm chí, nếu có thể, nằm ngay trên tít.

Khi bạn đang viết về một tộc người nào đó, cần phải chắc chắn độc giả của bạn có thể biết tộc người đó là ai ngay từ những câu đầu tiên.

Hãy viết một mào đầu hấp dẫn nhưng không được phép gây chú ý quá mức so với toàn bộ bài báo vì sẽ khiến độc giả hiểu lầm, đánh giá bài viết là “đầu voi đuôi chuột”, mào đầu hay những càng đọc càng chán.

Không sử dụng đoạn mô tả dài dòng ngay trong phần mào đầu.

Hãy dùng những câu ngắn và những đoạn văn ngắn.

(Nội san Nghiệp vụ Thông tấn, 11/2008)

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Cần hết sức thận trọng khi sử dụng truyền thuyết dân gian như một nguồn sử liệu


Nhân đọc bài Diễn văn khai mạc tại Lễ dâng hương tưởng niệm Bà Cao tổ Vũ Thị Thục Đại tướng Đông Nhung Bát nạn thời đại Hai Bà Trưng của ông Vũ Ngọc Phương.

 




GS.TSKH Vũ Minh Giang *
Lịch sử là tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Đó là thực thể khách quan cực kỳ phức tạp và là đối tượng nghiên cứu của khoa học lịch sử. Để tái tạo lại quá khứ, qua đó tìm hiểu các quy luật của lịch sử,  nhà sử học phải có trong tay các nguồn sử liệu và phương pháp phê phán, phân tích và đánh giá giá trị của chúng. Quá khứ để lại dấu vết dưới rất nhiều hình thức khác nhau nên việc mở rộng các nguồn sử liệu là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh ấy, truyền thuyết dân gian dưới mọi dạng thức cũng có thể coi là một nguồn sử liệu. Tuy nhiên, bất cứ ai khi tiến hành nghiên cứu lịch sử phải nắm vững và tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Kết quả nghiên cứu, cho dù nghiêm túc đến đâu, cũng chỉ là nhận thức lịch sử chứ không phải là lịch sử. Điều đó có nghĩa là người nghiên cứu không bao giờ được phép đồng nhất ý kiến của mình với chân lý khách quan để vội vã đưa ra những nhận định chủ quan.
- Tất cả mọi nguồn sử liệu, cho dù đáng tin cậy đến mấy, cũng cần được phê phán, phân tích và xử lý theo những phương pháp khoa học nghiêm ngặt và luôn phải được phối kiểm bằng nhiều nguồn khác nhau.
- Trong số các nguồn sử liệu, truyền thuyết dân gian, thần tích, thần phả… là loại phức tạp và ít đáng tin cậy vì tính chất tuỳ biến, khó kiểm chứng nên thường chỉ được dùng như những gợi ý cho những giả thuyết hay giúp nhà nghiên cứu có hình dung nào đó về các sự kiện hay thời đại liên quan. Nó hầu như không giá trị cho việc khẳng định tính xác thực của những sự kiện cụ thể.
Những điều trên đây tuy rất sơ đẳng, nhưng đối với công việc nghiên cứu lịch sử nghiêm túc phải được coi là những nguyên tắc cơ bản.
Yêu lịch sử là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, nên hiện tượng ngày càng có nhiều người tìm hiểu lịch sử, biên soạn lịch sử địa phương hoặc viết về một thời kỳ, một  nhân vật mình yêu thích là tín hiệu đáng mừng và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó lại đang có một trào lưu rất đáng lo ngại. Đó là sự xuất hiện ngày càng phổ biến những người nghiên cứu nghiệp dư viết rồi phát tán những tài liệu nói về sự kiện này, nhân vật lịch sử kia một cách hết sức tuỳ tiện, không tuân thủ bất cứ một nguyên tắc nào. Nhiều bài viết chỉ dựa vào truyền thuyết hay những tài liệu thành văn nhưng được biên soạn từ truyền thuyết (thần phả, thần tích…) mà cũng không cần biết truyền thuyết ấy xuất hiện khi nào, giá trị sử liệu đến đâu. Nguy hiểm hơn còn có những tài liệu loại đó được sử dụng làm căn cứ để đi tới những quyết định (tôn vinh, đề cao một nhân vật nào đó, đầu tư một khoản kinh phí nào đó vào việc xây dựng di tích, hoặc trái lại,  để đả kích ai đó…).
Từ lâu tôi đã có ý định nói  về vấn đề này nhưng chưa có dịp, nay nhân được đọc bài Diễn văn khai mạc tại “Lễ dâng hương tưởng niệm Bà Cao tổ Vũ Thị Thục Đại tướng Đông Nhung Bát nạn thời đại Hai Bà Trưng” [1] của ông Vũ Ngọc Phương, Chủ tịch Trung ương Hội KHPTNNL – NTVN thì thấy không thể trì hoãn thêm được nữa nên xin phát biểu một số điều để biểu thị quan điểm của mình.
GS.TSKH Vũ Minh Giang
Điều đầu tiên cần phải nói là trong bài diễn văn của mình, ông Vũ Ngọc Phương đã trình bày tiểu sử chi tiết của một nhân vật được cho là cách đây gần hai nghìn năm với sự xác quyết mặc nhiên những chi tiết từ quê quán, tên họ, năm sinh, năm mất cùng gia thế và sự nghiệp. Tất cả những chi tiết đó tác giả chỉ bắt đầu từ một mệnh đề giản đơn: Lịch sử và Thần phả còn ghi lại ” mà không viện dẫn ra bất cứ một bộ sử nào, bản thần phả nào. Với hiểu biết của mình, tôi chưa từng thấy những chi tiết trong bài viết nói trên được viết trong bất kỳ bộ sử nào, mà chỉ được nói tới trong thần tích do người đời sau, rất xa với sự kiện biên soạn. Tuy không nói rõ, nhưng có thể dễ dàng nhận ra tài liệu chính mà tác giả dựa vào là một bản sao thần tích được biên soạn trên cơ sở những truyền thuyết dân gian mà thôi [2]. Theo tài liệu đó, nhân vật Đông Nhung Bát nạn, một đại tướng thời hai Bà Trưng có tên là Vũ Thị Thục. Cũng sẽ chẳng có gì để  nói nhiều nếu tác giả chỉ dừng ở đó, bởi hiện tượng đồng nhất ý của mình với nội dung một thần tích nào đó hiện nay đã trở nên quá phổ biến. Nhưng điều đáng nói là tác giả đã tôn bà lên làm Cao Tổ họ Vũ/Võ Việt Nam mà hậu duệ là tất cả những danh nhân kiệt kiệt xuất họ Vũ/Võ, trong đó cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khoan hãy nói đến những chi tiết khác của bản thần tích, hãy bắt đầu từ việc phân tích tính xác thực tên gọi của bà.
Không có gì phải nghi ngờ, hệ thống tên, họ mà người Việt đang sử dụng rộng rãi hiện nay, là sự mô phỏng hệ thống tên họ của người Hán. Về cơ bản hệ thống đó có ba yếu tố: Họ (chỉ gốc tích gia tộc theo phụ hệ), tên đệm (chỉ chi phái, giới tính hoặc sau này biến hoá với nhiều chức năng khác) và tên gọi (danh xưng phân biệt các cá thể với nhau). Cả ba yếu tố này đều sử dụng âm Hán – Việt và có thể dùng chữ Hán để ghi. Đây là hiện tượng rất bình thường của quá trình tiếp biến văn hoá, nhưng một hệ thống hoàn chỉnh như vậy khó có thể hình thành trong cộng đồng người Việt trong một thời gian ngắn và chưa thể xuất hiện vào thời hai Bà Trưng vì những lý do sau đây:
1. Nước Âu Lạc bị mất chủ quyền từ năm 179 TCN, nhưng trong suốt một thời gian dài, người Việt vẫn sống theo phong tục riêng của mình. Thậm chí cho đến tận sau khi khời nghĩa Hai Bà bị đàn áp vào năm 43 SCN, vẫn còn tồn tại chế độ Lạc tướng (người Việt đứng đầu các huyện). Làng xã vẫn bầu trời riêng của người Việt. Phải đến đầu thế kỷ thứ 3, khi Sĩ Nhiếp sang làm Thứ sử Giao châu, những ảnh hưởng văn hoá Hán tới người Việt, trong đó có hệ thống văn tự, phong tục tập quán và quan hệ xã hội, mới bắt đầu trở nên sâu rộng. Rất có thể hệ thống tên học kiểu Hán lúc này mới trở nên phổ biến. Điều này đã được nhiều học giả nói tới.
2. Trong các cổ thư Trung Quốc biên soạn sau thời kỳ này đến một và thế kỷ như Hậu Hán thư (TK 5), Thuỷ kinh chú (TK 6) cũng chưa thấy xuất hiện một người Việt nào có tên họ đầy đủ như vậy. Ngay cả những nhân vật nổi tiếng như hai vợ chồng Bà Trưng các sách này cũng chỉ chép tên, chứ không có họ.  Việc một số sách sử chép tên chồng Bà Trưng là Thi Sách, dẫn tới cách  hiểu ông họ Thi, tên Sách chỉ là một sự lầm lẫn [3] 
3. Hệ thống tên họ hoàn chỉnh nêu trên không chỉ là sự ảnh hưởng về văn hoá mà còn là sự phản ánh sự hiện hữu của chế độ phụ hệ gia trưởng, theo đó tất cả các người con đều phải theo họ cha. Điều này khó có thể đã xuất hiện ở thời hai Bà Trưng, khi mà nhiều tài liệu cho thấy chế độ mẫu hệ còn đang có ảnh hưởng rất mạnh.
Trở lại nhân vật Đại tướng Đông Nhung Bát nạn (hay Bát Nàn, Bát Não) mà ông Phương hoàn toàn tin tưởng thần tích để cho rằng tên thật là Vũ Thị Thục, tôi xin có ý kiến như sau: Tên của bà xướng lên theo âm Hán Việt và có thể diễn tả bằng ba chữ Hán  (武氏淑). Điều này khiến ta nghĩ ngay tới việc người sau đưa vào. Hơn thế, tên, họ này không thấy có ở bất kỳ một bộ sử nào ngoài thần tích. Kinh nghiệm sử dụng thần tích của các nhà nghiên cứu lịch sử, trong đó có cá nhân tôi, luôn luôn chỉ coi là những gợi ý và phải xử lý hết sức cẩn trọng. Giống như nhiều thần tích về các tướng lĩnh khác thời Hai Bà Trưng, những thông tin giúp ích cho việc nghiên cứu chủ yếu chỉ dừng ở những gợi ý về phạm vi ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa, về vai trò to lớn của phụ nữ và tinh thần quật cường, dũng cảm của quân và dân ta trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Xa hơn nữa, phối kiểm với các tư liệu khác có thể xác định một cách tương đối về quê quán của những nhân vật huyền thoại. Những chi tiết không thể kiểm chứng thì thường không đáng tin cậy. Riêng về tên họ, thì như trên đã nói, không chỉ thiếu căn cứ mà còn không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử.
Chính vì những lẽ trên, nhân vật được chép trong thần tích miếu xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và ở làng Tiên La, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, được cho là [4] Hàn Lâm đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn phải coi là một sản phẩm của truyền thuyết dân gian, có thể phản ánh một phần nào đó sự thật lịch sử chứ không phải là nhân vật lịch sử. Với ý nghĩa đó, chúng ta có thể trân trọng thờ cúng, thậm chí tạc tượng với hình hài tưởng tượng để tưởng niệm như một biểu tượng, nhưng không thể khẳng định một cách quả quyết về tên họ cùng những chi tiết không thể kiểm chứng khác như một nhân vật lịc sử đích thực.
Hướng về cội nguồn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được duy trì và phát huy. Trong ý nghĩa đó tổ chức dòng họ để phát huy những nết đẹp của trăm họ, góp phần củng cố sức mạnh cộng đồng dân tộc là việc nên làm. Tuy nhiên, nếu không có cách nhìn đúng đắn thì rất dễ nảy sinh những hệ quả trái chiều do thói cục bộ, ganh ghé, tranh giành ảnh hưởng- những hạn chế vốn có của quan hệ dòng họ. Khi tổ chức dòng họ đã mở rộng trên quy mô toàn quốc thì sự tự nguyện của mỗi người, sự đồng thuận của cộng đồng phải được coi là nguyên tắc tối thượng.
Vả lại, việc chỉ căn cứ vào những tài liệu rất không đáng tin cậy, không có bất kỳ một sự phân tích nào và không có một sự thảo luận, trao đổi cần thiết, để khẳng định một nhân vật nào đó làm Cao Tổ của cả một dòng họ lớn như họ Vũ/Võ, một dòng họ được tổ chức khá quy củ, chặt chẽ và đang phát huy những mặt tích cực với xã hội là điều cần hết sức thận trọng.
----------------------------------------------------------------------------------------
* GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Nhân học, Uỷ viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Uỷ viên Hội đồng Lý luận TW, uỷ viên Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia.
[1]  http://vanhac.org/03/thanh-mau-cao-to-vu-thi-thuc-nuong.html
[2] Tuy không dẫn cụ thể nhưng có thể tác giả đã dựa vào  thần tích làng Tiên La, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, sao lại thần tích thờ miếu ở xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, nay thuộc Vĩnh Phú (thần tích do danh thần thời hậu lê là Hàn Lâm đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn).
[3] Sự lầm lẫn này bắt đầu từ Thái tử Lý Hiền nhà Đường. Nhưng  sau này đã được học giả Huệ Đống nhà Thanh đính chính lại. Đặt trong toàn văn câu “Chu Diên lạc tướng tử danh Thi sáchMê Linh lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê"  phải dịch là con Lạc tướng Chu Diên tên là Thi hỏi con gái Lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc làm vợ. Chữ sách () ở đây nghĩa là hỏi (vợ), cầu (hôn) chứ không phải tên.
[4] Chúng tôi sử dụng cụm từ “được cho là” vì phần lớn các thần tích còn lại về sau này đều có niên đại văn bản rất muộn, nhưng đều nhất loạt ghi là do Hàn Lâm đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn. Xét về mặt văn bản học, rất khó tin rằng Nguyễn Bính đã biên soạn một số lượng thần tích lớn như vậy trong cùng một khoảng thời gian. 
GS.TSKH Vũ Minh Giang

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Lần đầu tiên Việt Nam tham dự đấu xảo tại Pháp năm 1877



Nguyễn Thu Hoài

TẠP CHÍ XƯA & NAY SỐ 406 (06 – 2012 )

NGÀY NAY KHI NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM ĐÃ PHÁT TRIỂN VỚI TỐC ĐỘ KHÁ CAO, CÁC HỘI CHỢ TRIỂN LÃM HÀNG HÓA VÀ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TRONG NƯỚC, QUỐC TẾ MỞ RA THƯỜNG XUYÊN, NGƯỜI DÂN CÓ ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN VỚI THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI VÀ CÁC DOANH NGHIỆP CŨNG CÓ NHIỀU CƠ HỘI ĐỂ MỞ RỘNG MÔI TRƯỜNG KINH DOANH. NHƯNG CÁCH ĐÂY HƠN MỘT THẾ KỶ VÀO NĂM 1877, VIỆC TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN ĐƯA HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM (LÚC ĐÓ LÀ ĐẠI NAM) SANG THAM DỰ ĐẤU XẢO(1) TẠI THỦ ĐÔ PARIS NƯỚC PHÁP CÓ THỂ COI LÀ MỘT DẤU MỐC QUAN TRỌNG CỦA NGÀNH NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM.
Các gian hàng Đông Dương trong Triển lãm Thuộc địa, Marseille 1922
Tình hình ngoại thương Việt Nam thế kỷ XIX trở về trước
So với nhiều nước trong khu vực, việc xúc tiến thương mại bên ngoài lãnh thổ của các triều đình phong kiến Việt Nam khá chậm chạp. Thực chất từ thế kỷ XV- XVI các thương nhân của một số nước láng giềng đã đến trao đổi buôn bán với người Việt. Đáng kể nhất là các lái buôn người Trung Hoa đến từ Quảng Châu, Triều Châu, Phúc Kiến…  bằng đường bộ và đường biển. Hàng hóa họ mang đến cao cấp là các loại gấm, lụa, tơ, sa hay bình dân hơn là thuốc bắc, vải, bút, mực, giấy, kim, chỉ, khuy áo… họ mua về lâm thổ sản, hồ tiêu, cau khô, đường, sa nhân… Sau người Trung Hoa là người Nhật Bản cũng đến Việt Nam, các thương nhân Nhật Bản hình thành nên khu phố buôn bán sầm uất tại Hội An. Họ chủ yếu buôn bán đồ đồng, vải bông, vũ khí, diêm sinh… Thế kỷ XVII những người Tây Âu bắt đầu đặt mối quan hệ thương mại ở Đại Việt.  Đầu  tiên  có  lẽ  là  những  nhà buôn người Bồ Đào Nha, tiếp đến là người Hà Lan, Anh, Pháp… Họ đến chủ yếu bằng đường biển, hàng hóa đem đến thường là các loại vũ khí, đồ kim loại; hàng hóa mua về gồm tơ, lụa, vải thô, đồ gốm và các loại hàng nông sản. Tuy nhiên việc giao dịch thương mại với nước ngoài, đặc biệt là với Tây Âu càng về sau càng sa sút  và  gần  như  chấm dứt vào cuối thế kỷ XVIII vì nhiều lý do.
Sang thế kỷ XIX các vua nhà Nguyễn ban đầu cũng không quá khắt khe đối với các thuyền buôn phương Tây khi đến trao đổi mậu dịch tại Việt Nam. Thậm chí vua Minh Mệnh còn bãi bỏ lệ cũ, giảm thuế cho các tàu buôn nước ngoài tại cảng khẩu để “tỏ lòng yêu mến người phương xa”. Thống kê từ tài liệu châu bản triều Nguyễn(2) chỉ tính riêng hai năm Minh Mệnh 6 và 7 (1825 – 1826) đã có 84 tàu thuyền nước ngoài, với trên 100 lượt ra vào các cảng khẩu của Việt Nam. Trong đó có 77 thuyền của người Thanh, 6  tàu của Pháp và 1 tàu của Anh xin vào các cảng như cửa Lác (Nam Định), cửa Hội (Nghệ An), cửa Đà Nẵng, cửa Đại Chiêm (Hội An), cửa Thị Nại (Quy Nhơn), Vũng Lấm (Phú Yên), cửa Cần Giờ (Gia Định). Vua cũng muốn mở rộng thương mại với các nước nên đã nhiều lần cử các đội thuyền trong nước ra nước ngoài như đến Hạ Châu (Singapore), Giang  Lưu  Ba  (Indonesia),  Lữ Tống (Luzon – Philippines), Quảng Châu… để giao dịch buôn bán. Tuy nhiên về sau vì lo sợ người phương Tây nhòm ngó xâm lược, các giáo sĩ lợi dụng tàu buôn đến truyền đạo Gia tô và các thuyền trong nước ra nước ngoài buôn bán thường gặp cướp biển nên việc thương mại mậu dịch với bên ngoài ngày càng thu hẹp và hạn chế.
Dưới thời vua Tự Đức việc đóng cửa buôn bán với bên ngoài càng gắt gao hơn, trong một đạo dụ năm Tự Đức thứ nhất (1847) đã nêu rõ “người Tây dương không cho đến thông thương là để chặn lòng mọi rợ mà tôn cao thế nước”(3). Vì vậy các tàu buôn của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ đến xin giao dịch đều bị từ chối. Về sau người Pháp chiếm được Nam bộ gây sức ép, buộc triều đình phải cho các tàu của Pháp vào buôn bán. Năm  1865 (Tự Đức thứ 19), người Pháp mở một cuộc đấu xảo, thực chất là cuộc trưng bày và bán sản phẩm hàng hóa của Pháp tại Kinh thành Huế. Viên chủ soái người Pháp đưa thư đến triều đình yêu cầu các quan lại cùng dân đến xem hội. Vua Tự Đức hỏi các đại thần rằng: Ta cũng mở trường đấu xảo yêu cầu người Tây dương đến xem để phô bày cái khéo, thì có ích gì không? Cơ mật viện thưa rằng: Phong tục người phương Tây, lấy máy móc tinh xảo tự khoe khoang, lại có ý muốn sang bên Á Đông, nếu mời họ đến sợ các nước đều đến có nhiều điều không tiện. Vua cho là phải(4).
Tham dự đấu xảo tại Pháp năm 1877
Năm 1877 (Tự Đức thứ 31) nước Pháp tổ chức cuộc đấu xảo tại thành Ba Lê (Paris). Trước đó Quốc trưởng nước ấy đã gửi thư cho triều đình đề nghị  Đại Nam gửi hàng hóa tham gia. Vốn sẵn tâm lý e ngại phương Tây nhưng sợ làm phật lòng người Pháp, vả lại lúc đó Pháp đã chiếm được 6 tỉnh Nam kỳ, triều đình Nguyễn trong tình thế bất đắc dĩ lại muốn tìm cách hòa hiếu để chuộc đất, vì vậy vua Tự Đức cử Nguyễn Thành Ý(5) dẫn đầu phái đoàn sang Pháp. Thực chất ý đồ chuyến đi đó không chỉ là đem hàng hóa đi thi thố mà còn nhằm mục đích thăm dò tình hình phương Tây và xem xét thiết lập sứ quán ta tại Pháp. Đoàn sứ bộ gồm 30 người do viên Quang lộc tự khanh kiêm Lãnh sự tỉnh Gia Định Nguyễn  Thành  Ý  khâm  phái  dẫn đầu, cùng các viên Tả Tham tri lãnh hàm  Thượng  thư bộ Lại Nguyễn Tăng Doãn, Tham biện Vũ Văn Phú, Hồ Trọng Đĩnh, Tham biện kiêm Thông ngôn Nguyễn Hữu Cư… khởi hành từ tháng 10 năm 1876 đến tháng 11 năm 1877 thì trở về. Trong chuyến đi đó, Nguyễn Tăng Doãn, Hồ Trọng Đĩnh nhận nhiệm vụ cùng đoàn tùy tùng 8 người đến nước Y Pha Nho (Tây Ban Nha) tham quan tình hình sau đó quay trở lại Pháp. Nguyễn Thành Ý, Vũ Văn Phú, Nguyễn Hữu Cư đem hàng hóa đến trưng bày tại cuộc đấu xảo ở thủ đô Paris nước Pháp. Nguyễn Thành Ý sau đó còn có dự định sang nước Anh nhưng người Pháp không cho mượn tàu nên việc ấy bị hoãn lại.
Tháng 11 năm Tự Đức 31 (1877), tức là sau khi vừa từ nước Pháp trở về, Nguyễn Thành Ý đã làm 2 bản báo cáo chi tiết tâu trình lên vua Tự Đức. Trong đó một bản tấu ngày 21 tháng 11 dài 44 trang tường trình về chuyến tham dự đấu xảo tại thủ đô Paris nước Pháp(6) và một bản tấu ngày 26 tháng 11 dài 20 trang trình bày về tình hình nước Pháp và một số nước Tây Âu(7).
Riêng về chuyến tham dự đấu xảo tại Paris, theo báo cáo của Nguyễn Thành Ý gồm có 35 nước tham dự như Pháp, Anh, Nga, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Áo, Phổ, Hy Lạp, Ba Tư, Đại Thanh, Nhật Bản, Xiêm La, Mã Lai, Đại Nam… Khu hội chợ đặt tại quảng trường lớn ở trung tâm thủ đô có chiều dài 4.500 thước(8), rộng 2.250 thước gồm 11 dãy nhà trưng bày. Trong đó 1 dãy ở trung tâm được trang hoàng tráng lệ nhất là khu trưng bày hàng hóa của nước Pháp, 5 dãy bên phải là khu trưng bày hàng hóa của các nước Tây Âu, 5 dãy bên trái là khu trưng bày của các nước châu Á, Tân thế giới và các thuộc quốc của Anh, Pháp, Phổ.
Đấu xảo mở trong 6 tháng, khai mạc ngày 30 tháng 3 năm 1877, mở cửa từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày, mỗi ngày trung bình có khoảng 5 – 6 vạn người tham quan, ngày Chủ nhật số lượng người đến xem còn nhiều hơn. Khách  tham quan đều phải mua vé nên số tiền nước Pháp thu được đến khi bế mạc ước khoảng 1200 vạn quan.
Các nước tham dự đấu xảo đều phải thuê khu trưng bày hàng hóa tùy theo diện tích rộng hẹp, như nước Anh tiền thuê là 200 vạn quan, Nga là 150 vạn quan, Đại Thanh, Nhật Bản đều 50 vạn quan, Đại Nam ta là 1 vạn 500 quan. Hàng hóa trừ loại nào không tiêu thụ được và các vật quý chỉ trưng bày không bán thì không phải chịu thuế, còn lại đều đánh thuế 10%, hàng hóa của nước Pháp cũng như vậy. Khách tham quan chọn mua loại hàng hóa nào đều đăng ký tại nơi trưng bày đến khi kết thúc hội chợ mới giao tiền và nhận hàng.
Hội đồng kiểm định hàng hóa đấu xảo gồm có 9 hội đồng đều đặt Chánh, Phó hội trưởng phân công xem xét, đánh giá hàng hóa của các nước để phân biệt nghị thưởng. Hàng hóa được phân làm 96 loại, mỗi loại đều đánh giá xếp hạng 1,2,3. Nước Pháp đã chi 150 vạn quan để làm phần thưởng.
Hàng hóa tham dự đấu xảo của nước Pháp là phong phú nhất gồm kim cương, ngọc quý, san hô, hổ phách, thủy tinh, pha lê, đồng hồ, tranh, tượng đá, tượng đồng, các đồ điêu  khắc mạ vàng mạ bạc, trang sức, quần áo, da thuộc, thuốc lá, rượu, thậm chí cả các loại vũ khí, đạn dược… Đại Thanh cũng tham gia với khá nhiều hàng hóa như bình phong, trướng gấm, giường gỗ, rương gỗ, ngọc thạch, ngà voi, đồ gốm, sơn mài, nam châm, gấm sa, tơ, da, lông thú, đèn lồng, giấy, chiếu, dao, cung, kiếm, các loại ngũ cốc, thảo dược, nấm… Đại Nam ta tham gia với các hàng hóa như giường, tủ, rương, hòm, bàn ghế gỗ có khảm xà cừ; lược, gương, quạt, khung tranh làm từ ngà voi, sừng tê, đồi mồi; các loại hộp trầu, khay đựng, tráp bọc bạc hoặc khảm xà cừ; các loại nón, võng đay, lụa(9)… Báo cáo cũng nhận định, hàng hóa tham dự đấu xảo lần này nhiều không kể xiết, mỗi nước đều có cái đặc sắc riêng nhưng nói đến các hàng cơ khí thì nước Anh là đứng đầu; các hàng trang sức, mỹ nghệ, tơ vũ, pha lê thì nước Pháp đứng đầu; các hàng điêu khắc, chạm trổ, tơ sa, nam châm thì Đại Thanh đứng đầu; các hàng khảm xà cừ thì Đại Nam đứng đầu; các hàng sơn mài thì Nhật Bản đứng đầu. Khu đấu xảo của nước ta tuy không rộng, hàng dự đấu xảo cũng không nhiều nhưng đều là những thứ trang nhã tốt đẹp, lại bày đặt khá chỉnh tề dễ coi. Người các nước phương Tây đều thích xem, không chỉ nhiều người ái mộ mà Tổng thống Pháp và các Bộ trưởng Thủy lợi, Nông nghiệp, Thương nghiệp cùng Khâm phái của các nước cũng đều khen. Bộ trưởng Thủy lợi Pháp nói rằng: Người phương Tây thích xem các vật lạ, hàng hóa của Đại Nam đều là những thứ khéo léo, tinh xảo vì thế người phương Tây rất thích xem. Bộ trưởng Nông nghiệp, Thương nghiệp đều nói: Đại Nam lần đầu tiên tham dự đấu xảo nhưng hàng hóa rất đẹp và nhiều.
Kết thúc cuộc đấu xảo, hàng hóa của Đại Nam nhận được 4 phần thưởng. Ngoài ra Quốc trưởng nước Pháp cũng gửi tặng triều đình ta 1 chiếc bội tinh và 1 chiếc tặng riêng cho Nguyễn Thành Ý. Chuyến đi đó Nguyễn Thành Ý mua về 2 tấm bản đồ năm châu, 1 tấm bản đồ các nước phương Tây và 6 bản đồ hải trình từ phương Đông sang phương Tây. Mặc dù chuyến đi với nhiều mục đích nhưng dưới góc độ thương mại có thể nói là khá thành công, hàng hóa hầu như được bán hết và thu về một số tiền lớn. Tuy nhiên lần đó vua Tự Đức lại không thấy hài lòng về kết quả chuyến đi, tại bản tấu ngày 26 tháng 11 của Nguyễn Thành Ý đệ trình về tình hình nước Pháp và phương Tây, vua Tự Đức phê: “Những điều trình trong bản tấu đều là bàn luận cao xa không thực tế, không thể thi hành được. Các ngươi được cử đi sứ lần này một là để sửa sang hòa hiếu, rộng đường giao thiệp nên đều cử người hiểu biết làm được việc thế mà không được việc gì, lại tâu bày những điều hão huyền, truyền giao xuống cho Đình thần bàn xét vào tội không đảm đương được chức phận xử cách ly chức”(10). Sau đó vua đặc ân chuẩn cho Nguyễn Tăng Doãn giáng về hàm cũ làm Tả Tham tri Bộ Lại, Nguyễn Thành Ý bị cách chức lưu.
Những cuộc đấu xảo tiếp theo
Sau khi người Pháp chiếm toàn bộ Việt Nam, họ còn tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đấu xảo tại thuộc địa, và đưa các đoàn thương mại Việt Nam sang dự đấu xảo tại Pháp.
Năm 1886 (Đồng Khánh năm thứ 2), nước Pháp tổ chức hội chợ đấu xảo tại Hà Nội, sau đó Quốc trưởng nước Pháp cũng gửi thư mời Đại Nam tham dự cuộc đấu xảo được tổ chức đầu năm 1889 tại Pháp. Tuy nhiên cuối năm 1888 vua Đồng Khánh mất, vua Thành Thái kế vị khi mới 10 tuổi, mặc dù tình hình chính trị trong nước lúc này rất rối ren nhưng Đại Nam vẫn cử người đưa hàng hoá sang tham dự.
Tháng 5 năm 1894 (Thành Thái năm thứ 6), nước Pháp lại tổ chức đấu xảo ở thành Lyon, lần này Nguyễn Trọng Hợp(11) được cử làm Chánh sứ cùng đoàn sứ bộ và đại diện 2 nghiệp hộ sản xuất ở Quảng Nam đem hàng hóa sang Pháp dự đấu xảo.
Năm 1906 (Thành Thái thứ 18), nước Pháp tổ chức Hội chợ thuộc địa ở Marseille (Exposition coloniale de Marseille), Nguyễn Văn Vĩnh(12) cùng với viên Đốc lý người Pháp lúc đó ở Hà Nội là Hauser được cử mang hàng hóa sang Pháp để tổ chức gian hàng Bắc kỳ tại hội chợ.
Năm 1922 (Khải Định năm thứ 7), nước Pháp một lần nữa mời Đại Nam tham dự hội chợ thuộc địa Mar-seille, vua Khải Định đã đích thân sang Pháp dự hội chợ, tuy nhiên các tài liệu không cho thấy lần này Đại Nam gửi hàng hóa tham gia.
Như vậy có thể nói chuyến tham dự đấu xảo năm 1877 tại Paris – Pháp không chỉ là một mốc quan trọng đối với thương mại nước ta thời kỳ phong kiến mà còn là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong lịch sử Việt Nam. Lần đầu tiên hàng hóa của Việt Nam tham dự một hội chợ thương mại quốc tế lớn và được các nước đón nhận, đánh giá cao. Trước đây hàng hóa của nước ta ra thế giới hầu hết đều do các thương nhân nước ngoài đến mua và mang đi. Thành công của chuyến đấu xảo lần này đã phần nào khẳng định năng lực, độ tinh xảo, khéo léo cũng như sự phong phú của các ngành hàng do người Việt sản xuất. Đại Nam sau đó tiếp tục nhiều lần được mời tham dự các cuộc đấu xảo, hội chợ thương mại tại Pháp. Điều đó cho thấy người phương Tây rất yêu thích, quan tâm đến các sản phẩm của người Việt và hàng hóa của Việt Nam bước đầu có vị thế trên thị trường hàng hóa thế giới.
 
CHÚ THÍCH:
1. Đấu xảo: thi khéo, là cuộc thi để so sánh các phẩm vật về kỹ nghệ xem cái nào khéo hơn, ngày nay thường gọi hội chợ triển lãm.
2. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (1998), Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập 2, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đại Nam thực lục, tập 7 (chính biên), bản dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.100.
4. Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr.996.
5. Nguyễn Thành Ý (1819-1897), người làng Tuý La, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1874, ông được cử làm Lãnh sự ngoại giao đầu tiên của Đại Nam tại soái phủ Sài Gòn, ông từng đại diện cho triều đình Huế trong các cuộc thương thuyết với Pháp và đã sang Pháp nhiều lần. Gần cuối đời ông về Huế và được thăng hàm Thượng thư Bộ Binh.
6. Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 310, tờ 137 – 158 (1 tờ = 2 trang).
7.  Châu bản triều Nguyễn, Sđd, tờ 189 – 198.
8. Thước (尺 – xích ) đơn vị đo lường cổ, 1 thước = 0,3333m.
9. Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 290 tờ 16; tập 294 tờ 232 – 233 (hàng hóa dự đấu xảo lần đó hầu hết do các thợ giỏi của Hà Nội và Nam Định chế tác).
10. Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 310, tờ 198.
11.  Nguyễn Trọng Hợp (1834  – 1902) tên thật là Nguyễn Huyên người làng  Kim  Lũ,  huyện  Thanh  Trì  (Hà Nội), đỗ Cử nhân năm 1858, đỗ Tiến sĩ  năm  1865.  Ông  từng  giữ  các  chức Tổng đốc Định Yên, Sơn Hưng Tuyên, Thượng thư Bộ Lại, Bộ Hình dưới thời vua  Tự  Đức;  Khâm  sai  quyền  Kinh lược sứ Bắc kỳ, Cơ mật viện đại thần, Tổng tài Quốc sử quán dưới thời vua Đồng Khánh; Phụ chính đại thần đời vua Thành Thái. Ông từng đại diện cho triều đình Huế trong các cuộc thương thuyết với Pháp và được phong tước Vịnh Trung tử.
12. Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) người làng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay là Hà Nội). Ông vừa là nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhà phiên dịch nổi tiếng đầu thế kỷ XX; thông thạo tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Pháp; từng làm thư ký ở Tòa sứ Lào Cai, Kiến An, Hà Nội; tham gia sáng lập và giảng dạy tại trường Đông Kinh nghĩa thục. Sau khi tham dự Hội chợ thuộc địa Marseille (năm 1906) ông từ bỏ cuộc đời công chức ra kinh doanh, mở nhà in, làm báo, dịch sách; từng là chủ  bút  tờ Đồng văn nhật  báo, Notre Journal, Notre Revue, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, An Nam Nouveau…

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

CẤU TRÚC LUẬN TRONG NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG: TỪ KÝ HIỆU HỌC ĐẾN NHÂN HỌC BIỂU TƯỢNG (PHẦN 2)


Nguồn: Trang lý luận văn học


Đinh Hồng Hải

 4. Nghiên cứu biểu tượng từ góc nhìn nhân học biểu tượng
Trong cuốn sách nổi tiếng về nhân học biểu tượng của mình (Biểu tượng: Chung và Riêng), Raymond Firth đã phân biệt nhân học biểu tượng với khoa học nghiên cứu biểu tượng từ các chuyên ngành khác như sau:
“Một nhà nhân học có thể làm gì để không giống với những gì mà nhà logic học, nhà siêu hình học, nhà ngôn ngữ học, nhà tâm lý học, nhà thần học, nhà lịch sử nghệ thuật và những người khác nữa đã làm? Về bản chất như tôi nhận thấy, cách tiếp cận theo hướng nhân học mang tính so sánh, quan sát, chức năng luận, trung lập tương đối. Nó liên kết và giải thích về các sự kiện thông qua biểu tượng luận với các cấu trúc xã hội và các sự kiện xã hội trong những điều kiện cụ thể. Vượt qua phạm vi rộng lớn của những trường hợp cụ thể, các nhà nhân học quan sát xem những biểu tượng gì được con người sử dụng thực sự, họ nói gì về những biểu tượng ấy, trong tình huống nào những biểu tượng sẽ bộc lộ ra và sự phản ứng với chúng. Theo đó, các nhà nhân học được trang bị để giải thích ý nghĩa của các biểu tượng trong các nền văn hóa mà họ đang nghiên cứu, và để sử dụng những lý giải như những phương tiện trung gian để hiểu xa hơn về các tiến trình trong đời sống xã hội” (Firth 1973, tr.25 – phần in nghiêng là do chúng tôi nhấn mạnh).
Ở chuyên mục trên, chúng ta đã được tiếp cận khoa học nghiên cứu biểu tượng từ góc nhìn ký hiệu học trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ với cấu trúc luận. Trong nhân học, hướng tiếp cận cấu trúc luận cũng đã được Claude Levi-Strauss sử dụng hết sức thành công trong công trình nổi tiếng của ông: Nhân học cấu trúc. Thế nhưng không một ai gọi Levi-Strauss là nhà nhân học biểu tượng(!) mà chỉ nhắc đến ông với vai trò của một nhà nhân học cấu trúc. Điều này có thể do hai nguyên nhân sau:
Nguyên nhân thứ nhất, Levi-Strauss đã được coi như ông tổ/cha đẻ/người xây nền… (rất nhiều danh xưng – xin xem thêm tiểu sử của ông trong bách khoa thư) đối với nhân học hiện đại. Ông còn được gọi là nhà xã hội học hiện đại, nhà cấu trúc luận, là “ông tổ”của nhân học cấu trúc,v.v… Bằng ấy danh xưng, có lẽ, cũng đã quá đủ để nói lên sự vĩ đại của nhà khoa học này. Có thể vì vậy mà người ta “quên” mất những đóng góp của ông đối với nhân học biểu tượng chăng? 
Nguyên nhân thứ hai cụ thể hơn từ quan điểm cấu trúc luận: “Claude Levi-Strauss cho rằng phân loại nhị nguyên (binary clasification) là một điểm đặc trưng phổ quát của nhận thức con người. Các nghiên cứu mở rộng của ông đối với thần thoại, nghệ thuật và hệ thống thân tộc đã khám phá ra những hình mẫu văn hoá khác nhau ở mức độ phức tạp và diện mạo bên ngoài, về bản chất, dựa vào tính đối ngẫu: tự nhiên/văn hoá, đàng ông/đàn bà, tinh khiết/không tinh khiết,v.v… Hệ thống văn hoá, dưới góc nhìn này, với những nền tảng tinh vi của nó đã khai hoá thế giới, xã hội hoá nó, đưa ra sự phân loại tuỳ theo biểu hiện của tự nhiên. Mối quan tâm của các nhà cấu trúc luận trong các hệ thống văn hoá của ý nghĩa ở những gì họ có thể bộc lộ ra và khi nào thì phân tích về tiến trình nhận thức phổ quát của con người” (Mary Des Chene, 1996).[1] Đây chính là đóng góp quan trọng của Levi-Strauss đối với nghiên cứu biểu tượng cũng như với nhân học văn hoá nói chung. Nhưng trước hết chúng ta cần xác định đối tượng và mục đích nghiên cứu của nhân học biểu tượng, để từ đó thấy được tầm quan trọng của nền tảng cấu trúc luận đối với nhân học biểu tượng mà Levi-Strauss là người có công đóng góp rất lớn.
Theo tài liệu giảng dạy của Khoa Nhân học, Học viện Công nghệ Massachusetts-MIT (Mã môn học: 21A.212), nhân học biểu tượng bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu sau:
  1. Ẩn dụ và biểu hiện khác của ngôn ngữ (Metaphor and Other Figurative Language)
  2. Chất liệu thô của biểu tượng luận, đặc biệt là động vật và cơ thể con người (The Raw Materials of Symbolism, especially Animals and The Human Body)
  3. Vũ trụ luận và hệ thống biểu tượng phức hợp (Cosmology and Complex Symbolic Systems)
  4. Nghi lễ, bao gồm cả điều trị và ma thuật mang tính biểu tượng (Ritual, including Symbolic Curing and Magic)
  5. Miêu thuật và đời sống (Narrative and Life)
  6. Thần thoại học (Mythology)
Qua đây chúng ta có thể xác định (một cách tương đối) các đối tượng nghiên cứu của nhân học biểu tượng là: Ẩn dụ, ngôn ngữ, hệ thống biểu tượng, nghi lễ, ma thuật, đời sống, biểu tượng luận, vũ trụ luận, và thần thoại. Nói một cách khái quát là các thành tố văn hoá có tính biểu tượng trong đời sống của con người.
Định nghĩa về nhân học biểu tượng theo các bách khoa thư nhân học lớn trên thế giới như sau:
- Bách khoa thư nhân học văn hoá và xã hội (Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology): “Nhân học biểu tượng đề cập đến văn hoá như một thực thể có tính độc lập tương đối, là một hệ thống ý nghĩa mà qua đó các nhà nhân học muốn tạo ra để giải mã và diễn dịch các biểu tượng và các nghi lễ trọng tâm” (Jonathan Spencer, 1996, tr.535-539).
- Bách khoa thư nhân học văn hoá (Encyclopedia of Cultural anthropology): “Nhân học biểu tượng là khoa học nghiên cứu ý nghĩa trong đời sống xã hội loài người, bằng cách nào chúng ta tri nhận và diễn giải những gì diễn ra xung quanh và bằng cách nào chúng ta sáng tạo và sẽ chia với thế giới hoặc hệ thống ý nghĩa văn hoá. Nhân học biểu tượng tiếp cận với một góc nhìn rộng lớn về các biểu tượng, biểu tượng hoá, sự vật và ý nghĩa mà con người đặt cho với ý nghĩa, sự nhận biết, quá trình giao tiếp”(Mary Des Chene, 1998, tr.1274-1278).
Văn hoá dân gian: Bách khoa thư về các tín ngưỡng, phong tục, chuyện kể, âm nhạc và nghệ thuật (Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music, and art): “Nhân học biểu tượng là khoa học nghiên cứu về các biểu hiện tự nhiên của các biểu tượng được sử dụng ở các nền văn hoá khác nhau, các nghi lễ, trình diễn, và trong đời sống hàng ngày nơi mà ý nghĩa đầy đủ có nhiều hơn các biểu hiện thành văn. Mỗi biểu tượng có hai thành phần – là những thực thể nhìn thấy và phần còn lại là ý nghĩa biểu hiện của nó. Nhân học biểu tượng diễn giải các biểu tượng trong ngữ cảnh của tiến trình xã hội và đời sống văn hoá” (Edith Turner, 1997, tr.24-29).
Có thể nhận thấy đối tượng được nhắc đi nhắc lại trong các định nghĩa trên là “văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó,” đây là đối tượng chính của nhân học biểu tượng. Trong khi văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó lại là đối tượng mà các nhà kí hiệu học đã đề cập đến trước khi nhân học biểu tượng ra đời tới hơn nửa thế kỷ(!). “Điều đó cho thấy kí hiệu học và nhân học biểu tượng tuy là những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau nhưng đều hướng tới một mục tiêu chung là nghiên cứu văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó thông qua ngôn ngữ biểu tượng. Đây là những phương pháp tiếp cận khác nhau (giữa kí hiệu học và nhân học biểu tượng) với những cách tiếp cận phương pháp khác nhau nhưng vẫn chỉ để giải quyết một vấn đề chung đó là nghiên cứu ý nghĩa của các biểu tượng văn hoá” (Đinh Hồng Hải, 2010a). Và trên thực tế, các nhà khoa học đã có những sự khẳng định về sự kế thừa đó: “Nhân học biểu tượng tiếp quản từ cấu trúc chức năng luận một tiền đề cho rằng các hệ thống văn hoá xã hội phô bày một sự cố kết toàn bộ và một sự quan tâm đối với những ảnh hưởng của thực tại xã hội về hệ thống tín ngưỡng, đặc biệt là trong những hướng xây dựng biểu tượng trên các cơ sở lý luận văn hoá” (Lavie, 1993).[2]
Có thể thấy, từ đối tượng nghiên cứu đến mục đích nghiên cứu của nhân học biểu tượng đều đã được đề cập tới trong cấu trúc luận của Levi-Strauss. Ở đây chỉ có sự khác biệt về phương pháp tiếp cận: Levi-Strauss tiếp cận dưới góc nhìn cấu trúc và các nhà nhân học biểu tượng (như Geertz, Turner, Schneider,…)[3] tiếp cận bằng sự diễn giải. Nhưng dù tiếp cận bằng cấu trúc hay diễn giải thì mục tiêu cuối cùng cũng là để nghiên cứu văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó, hay nói cách khác là để giải mã các thành tố văn hoá trong đời sống của con người. Đây chính là điểm tương đồng và cũng là đặc điểm của nhân học biểu tượng cũng như các bộ môn khoa học nghiên cứu về biểu tượng như ký hiệu học hay nhân học cấu trúc. Đó có thể là lý do để nhân học biểu tượng được gọi bằng một cái tên khác là nhân học diễn giải (interpretive anthropology). Ở đây chúng ta có thể nhận thấy sự diễn giảichính là một thành tố trọng tâm trong các mô hình cấu trúc của Roland Barthes, Charles S. Peirce, Umberto Eco, Michel Foucault,… đã sử dụng trong cấu trúc luận. Điều đó cho thấy, dù được gọi bằng một cái tên khác (nhân học biểu tượng) và được sử dụng bằng một khuynh hướng lý thuyết khác (diễn giải) để phản ứng lại lý thuyết (cấu trúc luận) của Levi-Strauss nhưng cuối cùng các nhà nhân học biểu tượng vẫn không thể bỏ qua những nền tảng mà cấu trúc luận đã tạo ra. Nói cách khác, nhân học biểu tượng chính là “ngôi nhà” đã được xây trên nền móng của cấu trúc luận.
THAY LỜI KẾT
Thật khó để nói khoa học nghiên cứu biểu tượng gần với chuyên ngành nào hơn trong các chuyên ngành gần gũi với nó như ngôn ngữ học, ký hiệu học và nhân học. Chúng ta cũng không thể bỏ qua vai trò của những chuyên ngành khác “ít gần” hơn như triết học, logic học, xã hội học,… bởi tuy “ít gần” nhưng nghiên cứu biểu tượng lại cũng không thể thiếu chúng. Vì vậy, việc xác định nghiên cứu biểu tượng là một khoa học liên ngành không chỉ đúng trong hiện tại mà còn phù hợp cả trong tương lai. Điều mà chúng ta cần xác định, thậm chí phải xác định sớm, là một khung lý thuyết và phương pháp luận dành cho đối tượng nghiên cứu vô cùng hấp dẫn nhưng cũng hết sức phức tạp này. Theo chúng tôi, trong bối cảnh của khoa học xã hội hiện nay thì cấu trúc luận chính là một lý thuyết phù hợp nhất. Bởi lẽ, cấu trúc luận không chỉ là thành tố quan trọng trong ngôn ngữ học, ký hiệu học mà còn là “xương sống” trong lý thuyết của nhân học, đặc biệt là nhân học cấu trúc và nhân học biểu tượng, vì vậy, nó có thể kết nối các khoa học chuyên ngành đó trong cùng một hệ thống lý thuyết dành cho khoa học nghiên cứu về biểu tượng.
Trên thực tế, cấu trúc luận không chỉ là một lý thuyết phù hợp với một khoa học liên ngành nghiên cứu biểu tượng mà còn được sử dụng có hiệu quả đối với nhiều chuyên ngành khác trong khoa học xã hội. Chẳng hạn với triết học – “triết học của chủ nghĩa cấu trúc là thứ “triết học văn hoá” nghĩa là sự nhận thức những nguyên lý hình thành, những cơ sở chung nhất chi phối mọi lĩnh vực của đời sống văn hoá” (Trịnh Bá Đĩnh, 2011). Xét rộng ra, đối với khoa học liên ngành nghiên cứu văn hoá, cấu trúc luận sẽ là phương pháp khả dĩ có thể giúp chúng ta tìm được hướng đi cụ thể để xác định được những đặc trưng văn hoá của một quốc gia hay cộng đồng người. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng của nghiên cứu văn hoá trong một thế giới toàn cầu hoá.
Trong bối cảnh hiện nay, nghiên cứu biểu tượng tuy nhận được sự chú ý của nhiều người và nhiều tầng lớp xã hội (bằng chứng như đã dẫn ở chú thích số 5) nhưng đôi lúc nó mang đến cho giới khoa học một cái nhìn hồ nghi. Sự hồ nghi này là có cơ sở, bởi vì ý nghĩa của các biểu tượng luôn có sự thay đổi mà chúng tôi gọi là “đặc tính khó lường” của nó. Bên cạnh những thay đổi tuỳ thuộc vào thời gian và không gian, cũng như sự ra đời và tồn tại của nó, sự thay đổi đó còn đến từ mục đích của người sử dụng và vô số lý do khác. Có thể tóm tắt diễn trình của khoa học nghiên cứu biểu tượng bằng sơ đồ sau:
CBĐ
Cái biểu đạt

KH
Ký hiệu

NNBT
Ngôn ngữ biểu tượng

BT
Biểu tượng
ND
Nội dung

MĐSD
Mục đích sử dụng
CĐBĐ
Cái được biểu đạt
HT
Hình thức
                                                      Diễn trình của biểu tượng
Để có thể xoá bỏ được những sự hồ nghi nói trên, giải pháp khả thi là phải tìm hiểu các biểu tượng trong chính môi trường “sống” của nó. Và để làm việc đó thì nhân học, với thế mạnh về các phương pháp chuyên biệt như điền dã thực địa(fieldwork) hay quan sát tham dự (participant observation), sẽ là những biện pháp tối ưu. Vấn đề này đã từng được Raymond Firth đề cập đến gần nửa thế kỷ trước: “Tiếp cận nhân học, với việc áp dụng một cách đầy đủ, sẽ có mục tiêu riêng của nó để đưa ra một sự mô tả mang tính hệ thống và phân tích một hành động mang tính biểu tượng bằng phương diện ngôn từ và phi ngôn từ của nó; để phân biệt các thành phần có ý nghĩa của hành động nói trên từ những gì ngẫu nhiên; để đánh dấu những thói quen hoặc các yếu tố chuẩn mực ngược lại với những gì thuộc về cá nhân và các phong cách riêng; làm sáng tỏ từ chính người đang thực hiện hành động, những người tham gia và những người không tham gia với những ý nghĩa mà họ đã gắn kèm với hành động; và để đưa tất cả những cái đó vào một khung khái niệm chung, và trong một khung cảnh cụ thể với vị thế và mối quan hệ nhóm của những người liên quan” (Raymond Firth 1973, tr. 27). Có thể thấy, “khung khái niệm chung” mà Firth đề cập ở đây chính là hệ thống lý thuyết mà chúng ta đã bàn xuyên suốt nội dung của nghiên cứu này.
Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin trích lại lời đề dẫn (trong chương trình giảng dạy tại Khoa Nhân học, Học viện Công nghệ Massachusetts) của GS. James Howe: “Sự kiến tạo nên các biểu tượng của con người cũng giống như việc sử dụng công cụ của loài vật. Công việc tìm hiểu thế giới và bảo vệ cuộc sống của chúng ta phần lớn thể hiện các ý nghĩa đối với đồ vật, sự vật, hiện tượng và con người bằng sự kết nối chúng với nhau thông qua hình mẫu của các biểu tượng và bằng sự sáng tạo nên các dạng thức phức tạp của những hành động biểu tượng và sự diễn giải. Ở đây chúng ta tìm hiểu các biểu tượng đã được sáng tạo và cấu trúc như thế nào? Chúng biểu hiện ra sao và có ý nghĩa thế nào đối với các phần còn lại của thế giới? Chúng đan dệt nên đời sống chính trị, gia đình, vòng đời người… Làm cách nào để diễn giải được chúng?.”[4] Câu hỏi của GS. James Howe đặt ra ở đây chính là nhiệm vụ của các nhà khoa học nghiên cứu biểu tượng trong giai đoạn hiện nay. Đó là sự cần thiết phải có một hệ thống lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu, mà theo chúng tôi, cấu trúc luận sẽ là một nền tảng lý thuyết cơ bản. Rất có thể đây sẽ là khung xương để các nhà khoa học xây dựng nên một bộ môn khoa học liên ngành có tên gọi: Nghiên cứu biểu tượng hay biểu tượng học.
CHÚ THÍCH:
[1] Nguồn: Bách khoa thư Nhân học văn hoá (Encyclopedia of Cultural Anthropology) do David Levinson và Melvin Ember biên tập. Sách do nhà xuất bản Henry Holt & Company ấn hành tạiNew York năm 1996, tr.1275.
[2] Nguồn: Bách khoa thư Nhân học văn hoá, Sđd, tr. 1275. Dẫn theo Mary Des Chene.
[3] Clifford Geertz sinh năm 1923, là một trong những nhà nhân học thế hệ mở đầu của các trường phái nhân học Mỹ được đào tạo tại Đại học Harvard. Phần tổng hợp nói trên được lấy từ: Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures. New York: Basic Books, Inc, 1973. Victor W. Turner (1920-1983) quê Glasgow, học tại London, ông thuộc thế hệ các nhà  lý thuyết nhân học đầu tiên ảnh hưởng tư tưởng của Max Gluckman tại Đại học Manchester, Turner sau đó giảng dạy tại đại học Stanford, Cornell, Chicago và Virginia. Davis M. Schneider (1918 – 1995) với trường phái Chicago về nhân học biểu tượng, tiến sĩ tại đại học Harvard – 1949.
[4] Department of Anthropology, Massachussetts Institute of Technology, http://web.mit.edu/anthropology 
 Tài liệu trích dẫn:
  1. Carl G. Liungman 1991, Dictionary of Symbols, W.W. Norton&Company, New York&London
  2. Charles S. Peirrce 1931, Collected papers, Ed. Charles Hartshorne, Harvard University Press
  3. Claude Levi-Strauss 1963, Structural Anthropology, Basic Books
  4. Claude Levi-Strauss 2001, Myth and Meaning, Routledge books
  5. Claude Levi-Strauss 2011, 1950, trong: Marcel Mauss, Luận về biếu tặng: Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ, Nguyễn Tùng dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội
  6. Clifford Geertz 1973, The Interpretation of Cultures,New York: Basic Books, Inc.
  7. Clifford Geertz 1974, Myth, Symbol, and Culture,New York: W.W. Norton and Company, Inc.
  8. David Schneider, Kemnitzer, and Janet Dolgin 1977, Symbolic Anthropology: A Reader in the Study of Symbols and Meanings,ColumbiaUniversity Press
  9. David Schneider 1980, American Kinship: A Cultural Account. 2nd edition. Chicago and London: University of Chicago Press
  10.  Cao Việt Dũng 2009, Mô hình phát triển của kiến thức theo Michel Foucault, Tạp chí Tia sáng, trong: http://vn.360plus.yahoo.com/hoangnguuson/article?mid=260&fid=-1
  11.  Trịnh Bá Đĩnh 2011, Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, Nxb. Hội Nhà văn
  12.  Edmund Leach 2006, trong: ĐHKHXH&NV-ĐHQG Tp. HCM, Một số vấn đề lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu nhân học, Nxb. ĐHQG Tp. HCM
  13.  Edith Turner 1997, trong: Thomas A. Green, Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music, and art, ABC Clio
  14.  Ferdinand de Sausure 1915, Course in General Linguistics, Translated by Wade Baskin, McGraw-Hill Book
  15.  Đinh Hồng Hải 2007, Nghiên cứu biểu tượng và vấn đề tiếp cận nhân học biểu tượng ở Việt Nam, trong Kỷ yếu Hội nghị Thông báo Dân tộc học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
  16.  Đinh Hồng Hải 2010a,  Nghiên cứu văn hoá từ góc nhìn nhân học biểu tượng, Tạp chí Dân tộc học, số 5 năm 2011.
  17.  Đinh Hồng Hải 2010b, Ngôn ngữ biểu tượng trong văn hóa Cơtu (Symbolical Language in Katu Culture)Báo cáo hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh trao đổi tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ 2008-2010 (bản tiếng Anh).
  18.  Nguyễn Văn Hậu 2010, Về tính hình tượng và tính biểu tượng trong tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, http://www.huc.edu.vn
  19.  Huyền Sâm, Ngọc Anh, Nhà ký hiệu học Umberto Eco và tiểu thuyết, Tạp chí Sông Hương online, 14/10/2009
  20.  Jonathan Spencer 1996, trong: Alan Barnard & Jonathan Spencer, Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology,London andNew York: Routledge
  21.  Mary Des Chene 1998, trong: David Levinton & Melvin Ember, Encyclopedia of Cultural Anthropology, Vol. 4, pp 1274 – 1278
  22.  Michel Foucault 2002, The Order of Things: An archaeology of the human sciences, Routledge,London &New York
  23.  Raymon Firth 1973, SymbolsPublic and private, London, George Allen & Unwin Ltd.
  24.  Roland Barthes 1972, Annette Lavers translated, Mythologies, Straus Farrar & Giroux
  25.  Roman Jakobson 1971, Language in relation to other communication systems, Selected writings Vol.2, The Hague Mountain 
  26.  Terence Hawkes 1977, Structuralism and Semiotics, University of California Press
  27.  Trung tâm Từ điển bách khoa, Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Namwww.bachkhoatoanthu.gov.vn
  28.  Umberto Eco 1976, A Theory of Semiotics, (Bloomington &London,Indiana University Press
  29.  Umberto Eco 1994, Apocalypse Postponed, edited by Robert Lumley,Bloomington, Indiana University Press
  30.  Victor Turner 1967, The Forest of Symbols: Aspects of Ndembu Ritual,Ithaca andLondon:CornellUniversity Press
  31.  Victor Turner 1974, Dramas, fields and metaphors: Symbolic action in Human society, Cornell University Press
Bản tác giả gửi Lyluanvanhoc.com